Cạnh tranh kinh tế, thương mại Mỹ-Trung Quốc nhìn từ thực tế

Sự suy giảm (của Mỹ) và đà tăng trưởng (của Trung Quốc) trong quan hệ kinh tế, thương mại với các nước trên thế giới kỳ thực sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng áp lực cạnh tranh quyền lực đối với Washington.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 17/7 vừa qua, tạp chí The Economist của Anh đăng tải viết với tiêu đề "Tổng thống Joe Biden quyết tâm không để Trung Quốc thay thế Mỹ - Chính sách Trung Quốc của Tổng thống Biden xem ra còn cứng rắn hơn của cựu Tổng thống Donald Trump," trong đó phân tích chính sách Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, trong biểu đồ thứ hai kèm theo bài viết, The Economist lại dẫn số liệu thống kê thương mại toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để so sánh cán cân thương mại từ năm 2000-2020 giữa Mỹ và Trung Quốc với các nước trên thế giới, qua đó cho thấy sự đối ngược giữa suy giảm và tăng trưởng trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với các nước.

Trong bài viết liên quan trên tờ Liên hợp báo của Đài Loan (Trung Quốc) ngày 21/7, nhà nghiên cứu Trương Cạnh thuộc Hiệp hội Nghiên cứu chiến lược Trung Hoa cho biết, Bắc Kinh mở rộng quan hệ thương mại, với hy vọng thông qua các sách lược khác nhau để phân tán rủi ro thị trường, thoát khỏi sự lệ thuộc quá lớn vào bất cứ thị trường nào. Trên thực tế, đây là mục tiêu chính sách thương mại đối ngoại có tầm nhìn rất dài.

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã phát triển tới mức không thể hàn gắn được và điều này càng khiến Bắc Kinh quyết tâm hơn trong việc thực hiện chính sách nêu trên.

Sự suy giảm (của Mỹ) và đà tăng trưởng (của Trung Quốc) trong quan hệ kinh tế, thương mại với các nước trên thế giới kỳ thực sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng áp lực cạnh tranh quyền lực đối với Washington. Tuy nhiên, dù là kinh tế, thương mại, xét cho cùng vẫn phải tuân theo các quy định pháp luật. Ý chí chủ quan của chính phủ phản ánh qua chính sách không thể đối địch lại được môi trường khách quan trên thực tế.

Tại sao chính quyền cựu Tổng thống Trump tận dụng ưu thế hạn ngạch thị trường tiêu dùng và thương mại của mình và gây áp lực lên Bắc Kinh thông qua việc không ngừng tăng thuế quan, nhưng rốt cuộc lại khiến Bắc Kinh chuyển hướng nỗ lực sang việc mở rộng các thị trường khác?

Câu trả lời dựa trên các yếu tố sau:

Thứ nhất, trong quan hệ thương mại, Bắc Kinh và các đối tác thương mại nhận ra rằng trao đổi song phương giữa họ ổn định hơn là tiếp tục trao đổi thương mại với Mỹ. Washington hay sử dụng biện pháp trừng phạt, cấm vận và trả đũa. Đối với nhiều mặt hàng, thậm chí hành động trừng phạt, cấm vận và trả đũa của Mỹ không hề được cảnh báo trước, đôi khi làm xong mới thông báo.

Điều đó gây tác động tiêu cực tới giá cả hàng hóa trên thị trường. Những hành động phi kinh tế và thương mại này không ngừng diễn ra, làm nảy sinh nhiều yếu tố không xác định đối với cả sản xuất và trao đổi thương mại, tự nhiên sẽ khiến nhiều đối tác thương mại nhìn nhận Mỹ như một thị trường nhiều chông gai. Do vậy, việc họ tìm cách mở rộng thị trường khác là điều không bất ngờ.

[Nhóm Bộ tứ có mang lại đòn bẩy cho Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc?]

Thứ hai là triển vọng tương đối lạc quan đối với Trung Quốc trong cạnh tranh với Mỹ. Mặc dù Mỹ vẫn là cường quốc có thực lực kinh tế và thương mại đứng đầu thế giới, nhưng Mỹ lại dựa nhiều vào vay nợ. Cộng đồng quốc tế đều hiểu rằng một khi "túi tiền" không còn đủ, sức mua của Mỹ khó có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng, vị thế “con cưng” của thị trường Mỹ vì thế cũng khó giữ được.

Kinh tế thương mại quốc tế vốn dĩ là tìm kiếm lợi nhuận từ đồng vốn bỏ ra, hơn nữa đều muốn duy trì tăng trưởng thông qua không ngừng mở rộng thị trường mới. Cho nên, biểu đồ so sánh cán cân thương mại mà The Economist sử dụng không hoàn toàn nảy sinh từ những chính sách của Bắc Kinh mà là kết quả cuối cùng từ sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc trên thực tế.

Thứ ba, “quân bài Ấn Độ” của phương Tây không hiệu nghiệm. Ban đầu, các nước phương Tây không phải là không có ý định cạnh tranh với Trung Quốc. Họ muốn cạnh tranh với Trung Quốc thông qua việc hỗ trợ Ấn Độ, sử dụng "chế tạo tại Ấn Độ" làm quân bài đối trọng/kiềm chế "chế tạo tại Trung Quốc."

Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ nỗ lực, phương Tây nhận ra rằng New Delhi thực sự có vấn đề với các điều kiện xã hội của mình, có trợ giúp cũng khó làm nên chuyện. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đã thấy được rằng New Delhi rất khó trong phục hồi lại sau những ảnh hưởng của dịch bệnh. Thực tế này càng làm Bắc Kinh gia tăng cạnh tranh trong thương mại quốc tế.

Thứ tư là sự "ích kỷ" của Mỹ trong thực hiện mong muốn tiếp tục phong tỏa công nghệ để chống lại Trung Quốc. Chính quyền cựu Tổng thống Trump từng yêu cầu các đồng minh hợp tác phong tỏa các sản phẩm công nghệ cao đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ lại nới lỏng cho các hàng công nghệ của nước này khiến cho đồng minh của Mỹ không hài lòng.

Đồng thời, Mỹ còn gây sức ép đối với đồng minh. Washington không cho phép đồng minh bán sản phẩm công nghệ cao cho Trung Quốc, nhưng lại không thể đưa ra bất cứ biện pháp bồi thường tổn hại nào. Thực tế này đã tạo ra những yếu tố không xác định cho việc phong tỏa hữu hiệu các sản phẩm công nghệ cao để kiềm chế Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục