Ngày 6/1, một cuộc bạo loạn đã xảy ra tại Điện Capitol ở thủ đô Washington của Mỹ, nơi các nghị sỹ Quốc hội đang tổ chức phiên họp nhằm chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống cách đây vài tuần. Hình ảnh trên các kênh tin tức truyền thông cho thấy, người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã dễ dàng vượt qua các hàng rào an ninh, sau đó tràn vào trong Điện Capitol để gây rối.
Một số quan chức về thực thi pháp luật của Mỹ nhận định, giới chức liên bang đã chuẩn bị cho các cuộc biểu tình vào thời điểm mang tính bước ngoặt của cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, dường như nhà chức trách chọn cách tiếp cận "mềm mỏng" khi không triển khai lực lượng an ninh một cách rầm rộ, nhằm tránh một làn sóng bạo loạn mới như những gì xảy ra hồi giữa năm ngoái ở thành phố Portland (làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc liên quan đến vụ sát hại công dân da màu George Floyd).
Tuy nhiên, cách tiếp cận này dường như đã phản tác dụng, khi hàng nghìn người biểu tình đã dễ dàng vượt qua các lớp bảo vệ để xông vào Điện Capitol. Một nhóm nhỏ của lực lượng Cảnh sát Thủ đô làm nhiệm vụ bảo vệ tòa nhà đã nhanh chóng bị áp đảo trước số đông người biểu tình.
Khi lọt vào bên trong tòa nhà, người biểu tình đã "thoải mái" đi lại và phá phách trong phòng làm việc của các nghị sỹ. Các kênh tin tức thậm chí còn bắt được hình ảnh người biểu tình thoải mái tự do và chụp ảnh "tự sướng" trong phòng họp của Hạ viện.
[4 người thiệt mạng trong vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ]
Cựu quan chức hàng đầu của Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã nghỉ hưu, ông David Gomez cho rằng Cảnh sát Thủ đô hoàn toàn không được chuẩn bị trước cuộc bạo loạn quy mô lớn vừa xảy ra. Theo ông Gomez, khi người biểu tình tràn vào Điện Capitol, các cơ quan thực thi pháp luật đều tỏ ra vô cùng châm trễ, có thể do tâm lý phản đối Tổng thống Trump hoặc có thể do họ không có kinh nghiệm đối phó với các cuộc bạo loạn.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính họ chỉ cần khoảng 350 thành viên của lực lượng Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ cảnh sát địa phương đảm bảo an ninh trong trường hợp xảy ra biểu tình. Lực lượng Vệ binh Quốc gia chủ yếu sẽ đảm nhận việc điều phối giao thông. Lầu Năm Góc dường như muốn tránh khung cảnh quân đội Mỹ hiện diện ngay bên ngoài trụ sở Quốc hội.
Tuy nhiên, cuối cùng thì hơn 1.000 binh lính Vệ binh Quốc gia Washington đã được triển khai để thiết lập trật tự tại Washington. Ngoài ra, chính quyền một số bang như New York và Virginia cũng đã lên kế hoạch cử lực lượng Vệ binh Quốc gia tới Washington để hỗ trợ.
Hiện FBI đang kêu gọi người dân cung cấp thông tin về những người đột nhập vào trụ sở Quốc hội Mỹ để điều tra và xử lý. Cho đến nay, đã có 4 người thiệt mạng trong cuộc bạo loạn, hàng chục người bị thương và ít nhất 50 người bị bắt giữ./.