Thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận quân đội trong tình hình mới,” từ năm 2017 đến nay, mô hình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam triển khai, nhân rộng tại các xã, huyện đảo xa đất liền.
Không chỉ hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá an toàn, đúng pháp luật, Chương trình còn tuyên truyền cho ngư dân nhận thức sâu sắc hơn nữa về tầm quan trọng của biển, đảo gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Vùng biển Cô Tô (Quảng Ninh) được coi là đa dạng sinh học hàng đầu của Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung. Đây cũng là địa bàn phong phú về cơ cấu hải sản với nhiều loài quý hiếm, có giá trị cao.
Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển có nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm với trữ lượng lớn nhất ở vùng biển Bắc bộ này có dấu hiệu suy giảm nhanh chóng, nhất là các khu vực ven bờ.
Nguyên nhân được xác định là do sự khai thác quá mức của con người, kết hợp sử dụng các phương pháp khai thác mang tính hủy diệt hàng loạt. Trước tình trạng trên, việc quản lý, tuyên truyền để ngư dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 tổ chức thực hiện thường xuyên trên ngư trường rộng lớn với hơn 300km2, có đường phân định biên giới trên biển dài hơn 190km kéo dài từ đảo Trần đến đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng).
Anh Đinh Như Long, một ngư dân Cô Tô cho biết, anh làm nghề biển đã nhiều năm nay, thường đánh bắt cá ở vùng ngư trường truyền thống Vịnh Bắc Bộ. Từ khi được Cảnh sát biển tuyên truyền, anh cũng như nhiều ngư dân trên địa bàn đã không sử dụng các thiết bị đánh bắt, khai thác mang tính hủy diệt, đe dọa làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản như giã cào, lưới rê, lồng bát quái, lưới xăm, lưới mắt nhỏ.
Đồng thời, anh cũng đã biết rõ hơn những khu vực nào được khai thác, khu vực nào bị cấm để tránh. “Từ khi có sự đồng hành của cảnh sát biển, ngư dân chúng tôi đã hiểu biết hơn về pháp luật,” anh Đinh Như Long cho hay.
Thượng tá Lê Huy, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 cho biết khu vực huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh là nơi tập trung nhiều tàu đánh cá, tàu thu mua hải sản, tàu vận tải, việc nắm bắt các thông tin thời sự, hiểu biết về pháp luật và việc chấp hành pháp luật của bà con nhân dân, ngư dân còn rất nhiều hạn chế. Do đó, công tác tuyên truyền biển đảo, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con là hết sức cần thiết.
Nắm bắt tình hình thời tiết biển động, nhiều tàu của ngư dân và nhân dân vào tránh sóng, lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên biển của Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 tại khu vực huyện đảo Cô Tô đã đến trực tiếp các phương tiện để tổ chức tuyên truyền các nội dung về Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ; chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1; những điều ngư dân Việt Nam cần lưu ý khi đánh bắt thủy sản trong vùng đánh cá chung; một số điểm lưu ý cho ngư dân đánh bắt xa bờ; tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam.
Cùng với hoạt động tuyên truyền cho ngư dân nắm chắc được pháp luật khi đánh bắt hải sản trên biển, lực lượng còn có nhiều hoạt động thiết thực, trao những món quà ý nghĩa như cờ Tổ quốc, áo phao, tủ thuốc đến tận tay những gia đình chính sách, người có công, người già neo đơn, hộ nghèo, học sinh nghèo vượt khó và ngư dân trên địa bàn...
[Ký kết chương trình 'Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân' ở Kiên Giang]
“Đây thực sự là hoạt động ý nghĩa, giúp bà con ngư dân, nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam; nắm vững các quy định khi đánh bắt trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ; vững tâm vươn khơi bám biển, góp phần nâng cao ý thức cho bà con ngư dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cũng như tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc,” Thượng tá Lê Huy nhấn mạnh.
Đánh giá cao chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” triển khai thực hiện ở Cô Tô, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, ông Trần Như Long cho biết mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” triển khai tại huyện, được chính quyền và nhân dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ.
Đây là mô hình có ý nghĩa chính trị quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển trong tình hình mới.
Thông qua các hoạt động, mô hình đã tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho ngư dân về chiến lược biển, đảo; về tầm quan trọng của biển, đảo đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
“Chúng tôi xác định rằng đối với Cô Tô, ưu tiên số 1 là an ninh-quốc phòng. Chính vì vậy, việc đồng hành cùng ngư dân của Cảnh sát biển Việt Nam vừa giúp tăng cường thế trận an ninh quốc phòng trên địa bàn, bên cạnh đó đã tạo điều kiện và đảm bảo an ninh, an toàn cho bà con ngư dân trên biển.
Những hoạt động của mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ giữa Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 với chính quyền và nhân dân huyện đảo Cô Tô”./.