Sáng 8/6, cho ý kiến vào dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc ban hành Luật này nhằm hoàn thiện pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển; đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ
Về chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển, có ý kiến đề nghị cần phân biệt rõ nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển với nhiệm vụ của các lực lượng khác trên biển, tránh chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn về nhiệm vụ, gây khoảng trống về trách nhiệm trên biển.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng mỗi lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; cần nghiên cứu, làm rõ chức năng chủ trì của Cảnh sát biển Việt Nam trong thực thi pháp luật trên biển, đảm bảo trên các vùng biển phải có lực lượng chủ trì và chịu trách nhiệm theo nguyên tắc tổ chức một lực lượng có thể làm được nhiều việc nhưng một việc chỉ giao một tổ chức chịu trách nhiệm.
[Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi]
Đồng tình với nội dung này, theo đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng), cần bổ sung thêm nội dung về việc phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao. Dẫn Điều 52 của Luật Biển Việt Nam quy định khi tiến hành bắt, tạm giữ, tạm giam người có hành vi vi phạm pháp luật hoặc tạm giữ tàu thuyền nước ngoài, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có trách nhiệm thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao để phối hợp xử lý, đại biểu cho rằng Cảnh sát biển Việt Nam rất cần sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong thực thi nhiệm vụ.
Tuy nhiên, Điều 23 của dự thảo luật quy định về phạm vi phối hợp chỉ quy định về phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính….
“Dự thảo luật còn xây dựng hẳn một mục 2 với chương 4 tại các Điều 26, 27, 28, 29, 30 về phối hợp giữa các lực lượng Cảnh sát biển nhưng không nêu trách nhiệm phối hợp của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam với Bộ Ngoại giao. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung nội dung phối hợp nội dung phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao,” đại biểu Đỗ Văn Bình nêu ý kiến.
Băn khoăn việc xác định lực lượng Cảnh sát biển có phải là lực lượng vũ trang
Nội dung nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, tranh luận là xác định lực lượng Cảnh sát biển có phải là lực lượng vũ trang hay không? Góp ý vào nội dung này đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng quy định Cảnh sát biển Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý và điều hành (Điều 5) sẽ dễ gây ngộ nhận Cảnh sát biển là một lực lượng nằm ngoài Bộ Quốc phòng, và về nguyên tắc tổ chức, Cảnh sát biển được hiểu tương đương với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, mà thực chất, Cảnh sát biển chỉ là một lực lượng nhỏ trong lực lượng vũ trang.
“Cần phải xác định rõ Cảnh sát biển là lực lượng tương đương với cấp nào trong Bộ Quốc phòng đồng thời, viêc quy định như dự thảo Luật chưa làm rõ được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,” đại biểu nói.
Đại biểu Phạm Đình Cúc đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định rõ Cảnh sát biển Việt Nam là bộ phận thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Chỉ cần quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật về an ninh trật tự, an toàn trên biển để phân biệt với các lực lượng khác.
Tranh luận về quan điểm này, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng theo Luật Quốc phòng vừa được thông qua có quy định lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 yếu tố cấu thành gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng dân quân tự vệ.
Nếu ghi vào trong Luật, lực lượng Cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hay là lực lượng vũ trang nhân dân là vấn đề rất nhạy cảm, vì hiện nay trên thế giới có rất nhiều nước có lực lượng giống chúng ta, họ có những tên gọi khác nhau nhưng không bao giờ đặt thuộc Bộ Quốc phòng. Ví dụ như Hoa Kỳ gọi là lực lượng tuần duyên trực thuộc Bộ An ninh nội địa. Trung Quốc là lực lượng Hải cảnh thuộc Cục Hải dương quốc gia. Nếu chúng ta đưa lực lượng này vào lực lượng vũ trang nhân dân thì sẽ hiểu là chúng ta phải sử dụng lực lượng vũ trang, tức là sử dụng quân đội để xử lý những xung đột trên biển về mặt dân sự, đại biểu nói.
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, Luật An ninh quốc gia 2004 quy định Cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ ninh quốc gia; cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia là cơ quan chỉ đạo và chỉ huy đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, do vậy, Cảnh sát biển Việt Nam là một trong những cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc lực lượng vũ trang, mà cụ thể là tác chiến trên biển. Trong 20 năm qua, từ 1998, nhà nước đã ưu tiên xây dựng lực lượng này cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại, đó cũng là xu thế tất yếu trong xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, trong đó có lực lượng Cảnh sát biển trong tình hình hiện nay, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Dẫn ví dụ cập nhật tình hình hiện nay lực lượng Hải cảnh của Trung Quốc đã được đưa về Ủy ban Quân sự, không còn để ở Cục Hải dương quốc gia. Lực lượng Cảnh sát biển của Nhật Bản cũng đưa về tổ chức phòng vệ, đại biểu cho rằng “chúng ta làm điều này không ngại gì với quốc tế.”
Với tình hình vùng biển diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, nếu không tăng cường sức mạnh và phương tiện trang bị quản lý vùng biển, trong đó có Cảnh sát biển thì sẽ đánh mất vai trò của Cảnh sát biển nếu không xác định đây là lực lượng vũ trang. Mặt khác, Cảnh sát biển không những kiểm soát thực thi pháp luật trên biển mà còn đấu tranh trên biển để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, chống cướp biển cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân trên biển, phối hợp với Hải quân nhân dân trong bảo vệ biển đảo, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, Cảnh sát biển cũng như biên phòng trên đất liền cũng thực hiện nhiệm vụ như lực lượng chấp pháp trên đất liền. Về công tác phòng thủ đất nước khi có chiến tranh xảy ra thì lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng biên phòng cũng là lực lượng đầu tiên.
“Biên phòng từ xưa đến nay đã là lực lượng vũ trang rồi, Cảnh sát biển cũng tính là lực lượng vũ trang. Tùy theo mỗi nước, mình không thể áp đặt nước khác để áp dụng vào Việt Nam được,” Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Theo đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), nếu quy định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang thì mâu thuẫn ngay với Luật Quốc phòng vừa được Quốc hội thông qua sáng nay. “Quy định thế nào cho phù hợp với quy định pháp lý, với thực tế và tạo điều kiện cho lực lượng này. Theo tôi, nên quy định theo hướng Cảnh sát biển một bộ phận cấu thành của quân đội, thuộc Bộ Quốc phòng,” đại biểu Dung đề xuất.
Cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách đảm bảo chấp hành pháp luật trên biển và thềm lục địa Việt Nam
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, quy định như Điều 5 dự thảo Luật nhằm thể chế Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về xây dựng lực lượng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Quốc phòng quy định hoạt động quốc phòng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, thống nhất của Nhà nước.
Về sự cần thiết phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển với bộ đội biên phòng và các lực lượng khác, trong đó, nên quy định Cảnh sát biển hoạt động từ lãnh hải trở ra, theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, Pháp lệnh năm 1998 quy định Cảnh sát biển hoạt động từ lãnh hải trở ra; song qua tổng kết 10 năm thực hiện quy định này thấy không phù hợp với thực tiễn. Do vậy, Pháp lệnh năm 2008 quy định Cảnh sát biển hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Kế thừa Pháp lệnh năm 2008, phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển đã được quy định tại Điều 11 của dự thảo.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định quy định như trên phù hợp với pháp luật và các Hiệp ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Bộ luật Hàng hải năm 2015, và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cảnh sát biển là lực lượng thực hiện nhiệm vụ liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Trên cùng một vùng biển, đối với những việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều lực lượng, thì lực lượng nào phát hiện trước, lực lượng đó phải tiến hành xử lý ngay trong phạm vi thẩm quyền của mình và chuyển hồ sơ cho lực lượng chức năng nhiệm vụ chủ trì giải quyết. Pháp luật hiện hành quy định lực lượng biên phòng là lực lượng nòng cốt chuyên trách quản lý bảo vệ an ninh trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển.
Cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý an ninh, trật tự, an toàn và đảm bảo chấp hành pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Khoản 2 Điều 23 dự luật quy định việc phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, và thực tiễn thời gian vừa qua, hai lực lượng này đã phối hợp tốt, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên biển, không để xảy ra khoảng trống về quản lý, bảo vệ biển đảo./.