Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo của các sàn đầu tư tài chính, sàn vàng online

Với tâm lý muốn kiếm tiền nhanh chóng, nhiều người đã tin vào những lời quảng cáo đầu tư sinh lời, lãi suất cao của một số sàn đầu tư tài chính, sàn vàng online và bị "sập bẫy" lừa đảo.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tục khuyến cáo người dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo, mời gọi tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tài chính online. Tuy nhiên, với tâm lý muốn kiếm tiền nhanh chóng, nhiều người đã tin vào những lời quảng cáo đầu tư sinh lời, lãi suất cao và bị "sập bẫy."

Sập bẫy vì muốn kiếm tiền nhanh chóng

Ngày 11/6 vừa qua, Công an huyện Đan Phượng, Hà Nội tiếp nhận trình báo của chị, sinh năm 1981, về việc bị chiếm đoạt tài sản khi tham gia sàn giao dịch đầu tư tài chính online.

Chị N được các đối tượng gọi điện, mời tham gia đầu tư online và được hướng dẫn lập tài khoản để nạp tiền vào sàn rồi nhận tiền lãi.

Tin vào quảng cáo lợi nhuận cao, chị N đã nạp gần 800 triệu đồng để đầu tư. Tuy nhiên, khi chị N muốn rút tiền thì hệ thống báo lỗi không rút được. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, chị N đã đến cơ quan công an trình báo.

Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Công an thành phố Hà Nội tiếp nhận đơn của chị T về việc bị chiếm đoạt 24 tỷ đồng khi tham gia đầu tư vàng online. Chị T được các đối tượng gọi điện mời tham gia nhóm đầu tư và được hướng dẫn mở app tài khoản cá nhân trên sàn IG để đặt lệnh mua bán vàng với hứa hẹn lợi nhuận cao.

Chị T đã thực hiện các giao dịch đầu tư với tổng số tiền 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi rút tiền, chị T được thông báo không rút được, phải liên hệ trợ lý của sàn. Chị T tiếp tục chuyển cho "trợ lý" tổng số tiền 4 tỷ đồng để rút tiền gốc nhưng đều không được. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, chị T đã đến cơ quan công an trình báo.

luadao3.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Trendmicro)

Theo Công an thành phố Hà Nội, hồi đầu tháng 2/2024, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận đơn của anh T, trình báo việc anh tham gia ứng dụng đầu tư vàng SoonTransfer5, bị chiếm đoạt 4,2 tỷ đồng.

Anh T cho biết có nhận được điện thoại của đối tượng xưng là nhân viên của một công ty chứng khoán, muốn anh vào nhóm để học hỏi và hỗ trợ thông tin về chứng khoán.

Anh T đã tham gia nhóm Zalo và được một vài “người thầy” cung cấp các thông tin về thị trường chứng khoán, định hướng anh tham gia thị trường vàng với hứa hẹn lợi nhuận cao hơn.

Anh tải ứng dụng SoonTransfer5 để tham gia đầu tư. Trong vòng 2 ngày, anh T chuyển 1,2 tỷ đồng để đầu tư và rút được 600 triệu lợi nhuận trong 7 lần.

Đến lần thứ 8, anh T không rút được tiền. Lúc này, các đối tượng thông báo anh T cần "nâng cấp gói VIP 3 tháng," "hoàn trả quỹ hỗ trợ đầu tư," "gỡ bỏ chế độ an toàn"… Anh T đã chuyển cho các đối tượng 3,6 tỷ đồng nhưng không rút được tiền. Lúc này, anh mới nhận ra mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính

Theo lực lượng chức năng, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận trên mạng, xuất hiện ngày càng nhiều các ứng dụng đầu tư tài chính - nền tảng hỗ trợ những nhà đầu tư có số vốn nhỏ kiếm tiền nhanh chóng. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để các đối tượng lừa đảo "giăng bẫy."

Theo Cục An toàn Thông tin-Bộ Thông tin và Truyền thông, dù chiêu trò lừa đảo của các đối tượng không mới nhưng rất tinh vi nên nhiều người dùng mạng xã hội bị lừa. Đối tượng lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế, sau đó giao cho đội ngũ nhân viên telesale gọi điện mời chào nhà đầu tư tham gia các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo và Telegram.

lua dao.JPG
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Sau khi nhà đầu tư tham gia nhóm, đối tượng và thành viên của nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện thuyết phục nhà đầu tư thực hiện giao dịch đầu tư tài chính, mua bán tiền ảo, tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cục An toàn Thông tin khuyến nghị người dân luôn cảnh giác, cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, nhất là trên mạng; tìm hiểu kỹ về chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư.

Người dân cũng cần trang bị kiến thức về tài chính, đầu tư. Khi thấy không chắc chắn, người dân cần tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo.

Lực lượng công an đề nghị người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ trên các mạng xã hội.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục