Cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản với trẻ em trong mùa Hè

Bệnh viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ em, là căn bệnh nguy hiểm bởi nếu không được điều trị đúng, kịp thời có thể gây nhiều biến chứng, di chứng nặng nề, có thể dẫn đến tử vong.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk kiểm tra thông tin tiêm chủng phòng bệnh viêm não Nhật Bản tại khu vực ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại xã Cư Prao, huyện M'Đrắk (Đắk Lắk). (Ảnh: TTXVN phát)
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk kiểm tra thông tin tiêm chủng phòng bệnh viêm não Nhật Bản tại khu vực ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại xã Cư Prao, huyện M'Đrắk (Đắk Lắk). (Ảnh: TTXVN phát)

Viêm não Nhật Bản thường xuất hiện vào mùa Hè, là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản gây ra.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ em, do có hệ miễn dịch yếu và chưa được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ. Đây là bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao và có khả năng lây lan mạnh, vì vậy, cần đề cao cảnh giác, không được chủ quan.

Tại sao lại gọi là bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản khi gây dịch ở nước này với số người mắc và tử vong rất cao.

Năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra căn nguyên gây bệnh là một loại virus được đặt tên là virus Viêm não Nhật Bản và từ đó tên bệnh cũng được gọi là viêm não Nhật Bản.

Bệnh của mùa Hè

Năm 1938, các nhà khoa học người Nhật Bản đã tìm ra vai trò truyền bệnh của loài muỗi có tên Culex Tritaeniorhynchus, sau đó xác định được vai trò vật chủ và ổ chứa chính của virus gây bệnh là loài lợn và chim.

Ở Việt Nam, loài muỗi này thường xuất hiện nhiều vào những tháng mùa nóng, ban ngày sống trong các bụi cây ngoài vườn, đêm bay vào nhà hút máu gia súc và đốt người, thường vào thời điểm từ 18 đến 22h. Muỗi thích đẻ trứng trong ruộng lúa, mương.

2706viemnaoNhatban.jpg

Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa Hè là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.

Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn.

Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì tỷ lệ lợn bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn lợn nuôi). Sự xuất hiện vi rút viêm não Nhật Bản trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm virus.

Thời gian nhiễm virus huyết ở lợn kéo dài từ 2 đến 4 ngày với số lượng virus viêm não Nhật Bản trong máu rất cao đủ để gây nhiễm cho muỗi, từ đó muỗi lại truyền bệnh cho người qua vết đốt.

Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước đây và có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản.

Nhận biết bệnh viêm não Nhật Bản

Giai đoạn ủ bệnh (từ lúc nhiễm virus), thông thường là từ 5-14 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát (sau giai đoạn ủ bệnh), bệnh khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao 39-40 độ C hoặc hơn, kèm theo còn có các triệu chứng khác như đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn.

Trong 1-2 ngày đầu có thể gặp những dấu hiệu như cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, mất ý thức hay tăng phản xạ gân xương. Ở một số trẻ nhỏ có thể có rối loạn tiêu hóa (đi lỏng, đau bụng, nôn).

Tiếp đến là giai đoạn toàn phát, triệu chứng nổi bật nhất trong giai đoạn này là tổn thương não nói chung và tổn thương thần kinh khu trú. Bệnh nhân từ mê sảng kích thích dần rơi vào hôn mê sâu và xuất hiện các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên (vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ lúc tái, mạch nhanh, huyết áp tăng, rối loạn nhịp thở).

Đồng thời người bệnh có biểu hiện cuồng sảng, ảo giác, tăng trương lực cơ khiến bệnh nhân viêm não Nhật Bản nằm co quắp (kiểu cò súng) và giật rung các cơ mặt, chi.

Giai đoạn lui bệnh, sang tuần thứ hai, nhiệt độ cơ thể giảm dần và hết sốt vào ngày thứ 10 nếu không bị bội nhiễm vi khuẩn khác và nếu bệnh nhân được điều trị đúng phác đồ thì các hội chứng não và rối loạn thần kinh cũng mất dần. Tuy nhiên sau đó, người bệnh viêm não Nhật Bản có thể sẽ phải đối mặt với một số di chứng tâm thần và thần kinh ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời

Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 25% ở các nước nhiệt đới và 50% người bệnh có các di chứng thần kinh-tâm thần.

Viêm não Nhật Bản nếu không được điều trị đúng, kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nặng nề có thể dẫn đến tử vong. Các biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, suy kiệt, loét, suy hô hấp… Ngoài ra, bệnh viêm não nhật bản ở trẻ để lại di chứng rất nặng nề, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các di chứng như rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường...

Nguyên tắc phòng bệnh

TTXVN_2806tiemphong.jpg
Tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản là cách phòng bệnh tốt nhất. (Nguôn: TTXVN)

Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản chung ở nông thôn là vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em.

Bất kỳ ở đâu nông thôn hay thành thị cần khơi thông cống rãnh, tránh ao tù nước đọng, không để các loại lốp xe hỏng, lon bia, nước ngọt đã sử dụng chứa đựng nước mưa để hạn chế muỗi đẻ trứng và sinh sản bọ gậy (lăng quăng) là con đẻ của muỗi. Các dụng cụ đựng nước sạch cần được đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng. Cần nằm màn khi đi ngủ. Định kỳ y tế địa phương cần tổ chức phun thuốc diệt muỗi.

Phòng bệnh tốt nhất là thực hiện tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng vaccine được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên).

Tiêm chủng cần đảm bảo 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó, cần cho trẻ tiêm nhắc lại 3 năm một lần cho đến 15 tuổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục