Cảnh giác mục đích sử dụng điện ảnh vì chính trị, tranh chấp chủ quyền

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý có trường hợp còn được sử dụng điện ảnh "vì mục đích chính trị và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.”
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 25/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Sửa đổi hợp lý theo chính sách hiện hành

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật được sửa đổi, chỉnh lý theo hướng kế thừa hợp lý một số chính sách của Luật hiện hành, quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; sửa đổi, bổ sung, chuyển một số nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ; chỉnh lý quy định rõ hơn về chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Đối với vấn đề đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp Giấy phép phân loại phim, căn cứ yêu cầu thẩm định, phân loại đối với từng loại phim, điều kiện thực hiện, thẩm quyền và thực tế quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, dự thảo Luật quy định: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên toàn quốc; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên địa bàn quản lý. Quá trình xin ý kiến cơ bản nhận được sự đồng thuận của các địa phương, cơ quan, tổ chức và cơ sở điện ảnh.

Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, dự thảo Luật bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật Đầu tư; quy định cụ thể tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với cơ sở điện ảnh của Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim không vượt quá 51% vốn điều lệ để bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế và phù hợp yếu tố đặc thù của ngành điện ảnh...

Khung giờ vàng cần "ưu tiên" phim Việt Nam

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ, Luật Điện ảnh của nước ta được ban hành từ năm 2006, trong khi đó, hiện nay công nghiệp điện ảnh thế giới và khu vực đã phát triển hết sức mạnh mẽ, thay đổi rất nhiều so với 15 năm trước.

Theo đại biểu, việc nhập khẩu văn hóa phẩm nói chung và điện ảnh nói riêng cũng có những mặt tiêu cực, tác hại trước mắt, lâu dài; nhu cầu đối của một bộ phận xã hội với sản phẩm văn hóa nước ngoài mạnh mẽ hơn đối với sản phẩm văn hóa trong nước. Các nhà sản xuất phim nước ngoài rất biết khai thác, khuếch trương nhu cầu này để thu lợi trên đất nước ta, đẩy lùi nhu cầu văn hóa Việt Nam trên chính "sân nhà."

[Kỳ họp thứ 3: Tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh]

“Một số quốc gia còn tài trợ và hỗ trợ ngành điện ảnh của họ trong công cuộc xâm chiếm thị trường điện ảnh quốc tế. Có trường hợp còn được sử dụng vì mục đích chính trị và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ,” đại biểu lưu ý.

Góp ý về Điều 19 dự thảo Luật quy định về phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị bổ sung quy định rạp chiếu phim phải chịu trách nhiệm bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ cho nhà sản xuất phim, điều chỉnh quy định về miễn giảm giá vé xem phim theo hướng khuyến khích, không nên áp đặt bắt buộc.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu cũng đề xuất có quy định khung giờ vàng dành nhiều thời gian hơn cho phim Việt Nam phổ biến trên truyền hình; có cơ chế khuyến khích phổ biến phim Việt Nam, đặc biệt là các dự án phim sử dụng ngân sách nhà nước trên hệ thống truyền hình.

Cơ bản đồng tình với các quy định của dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu ý kiến, việc quy định phân loại phim khi phổ biến phim trên mạng chưa đảm bảo sự bình đẳng và đề nghị xem xét lại tính khả thi của việc phân loại phim theo độ tuổi trên truyền hình.

Đối với việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, cần cân nhắc kỹ để đảm bảo không làm tăng bộ máy, biên chế, bảo toàn vốn điều lệ, bảo đảm nguồn thu để chi trả cho các khoản chi, nguồn thu không trùng với các khoản thu phải nộp ngân sách nhà nước.

Khuyến khích xã hội hóa hoạt động điện ảnh

Góp ý nội dung liên quan đến quy định hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng, với sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, khối lượng phim trên không gian mạng rất lớn, nhu cầu sử dụng ứng dụng xem phim trên không gian mạng chiếm phần lớn lưu lượng truy cập trên Internet, khiến thị trường phim trên không gian mạng phát triển ngày càng sôi động.

Tuy nhiên, bên cạnh các bộ phim hay cũng còn những bộ phim thiếu lành mạnh, lạm dụng hình ảnh bạo lực, phản cảm. Do vậy, cần có những quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này. Từ quan điểm đó, đại biểu để nghị cần quy định mở về hình thức để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu chủ thể phổ biến phim phải gỡ bỏ phim theo hướng khái quát. Đồng thời, bổ sung quy định về thời hạn gỡ phim; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng.

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cũng cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp kiểm tra phổ biến phim trên không gian mạng. Theo đại biểu, hai bộ này tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện kiểm tra nội dung phim, việc phân loại hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định pháp luật.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Tô Ái Vang phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Liên quan đến chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đồng tình với chủ trương là cần có các cơ chế, chính sách, kể cả Nhà nước hỗ trợ để phát triển công nghiệp điện ảnh - ngành một công nghiệp văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về việc dùng ngân sách để xây dựng trường quay hiện đại quy định tại điểm i của khoản 2, Điều 5.

Theo đại biểu, để có một trường quay hiện đại phải đầu tư rất lớn, phải có quy hoạch, có thiết kế, có lập dự án rất bài bản công phu, phân tích hiệu quả đầu tư và đặc biệt là quá trình quản lý, khai thác, vận hành sau đầu tư cũng phải hết sức chuyên nghiệp và hiệu quả.

Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc lại quy định tại điểm i khoản 2 Điều 5 theo hướng bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh, đặc biệt là đầu tư trường quay hiện đại kết hợp với du lịch văn hóa đảm bảo tính khả thi của chính sách, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam./.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trần Văn Khải phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục