Hải Yến "lột xác"

"Cánh đồng bất tận đưa tôi khỏi vùng an toàn"

Đỗ Hải Yến tâm sự vai Sương là một thách thức lớn, khiến cô rời khỏi vùng an toàn của mình và đã phải nỗ lực đến 200% sức lực.
Hai tháng trầm mình ở “Cánh đồng bất tận,” Yến tá hỏa khi soi gương. Mặt sần sùi, da đen cháy, tóc xơ xác và khắp thân mình đầy sẹo do cỏ năng và mảnh chai cứa...

Quá nhiều vất vả cho cô gái có vóc dáng “mình hạc xương mai” này, để hóa thân thành cô gái điếm phong trần khát yêu, khát mái ấm trong bộ phim “Cánh đồng bất tận.”

“Tôi đã thuyết phục được chính tôi”

Chị có thấy mình liều khi nhận vai Sương - vai diễn xem ra thật khó “bắt” vào ngoại hình cũng như dạng vai sở trường của chị?

Diễn viên Đỗ Hải Yến: Thì cũng chính vì sự an toàn, vì thấy vai Sương quá cực, quá khổ mà tôi đã năm lần bảy lượt từ chối. Nhưng rồi nể lời đạo diễn và nhà quay phim Lý Thái Dũng, tôi đành liều đi diễn thử cùng anh Dustin Nguyễn, rồi đâm ra “phải lòng” nhân vật.

Được cái, tính tôi rất bướng, nên một khi đã nhận lời làm thì có nghĩa là sẽ làm đến cùng và nỗ lực hết sức.

Cách nào để chị “quên” được Duyên - cô gái Hà Nội mới lớn ngây thơ ngơ ngác trong “Chơi vơi” để biến thành một cô gái điếm miền Tây phong trần, dạn dĩ trong "Cánh đồng bất tận?"

Diễn viên Đỗ Hải Yến: Điều khiến tôi “phải lòng” nhân vật của mình cũng chính là vì nội tâm phức tạp của cô ấy. Bản thân tôi cũng là người nhạy cảm và phức tạp (mà người phụ nữ nào chẳng phức tạp và nhạy cảm nhỉ?).

Sự thay đổi đó với bản thân tôi rất lớn.

Tôi rời khỏi vùng an toàn của mình. Vai Sương là một thách thức lớn với tôi và tôi đã nỗ lực đến 200% sức lực của mình. Học chèo thuyền, học đi lại trên con thuyền nhỏ xíu dập dờn trên sóng nước, học chăn vịt, học đi chân trần trên cánh đồng, học lội ruộng...

Mọi thứ đều lạ lẫm với tôi và tôi buộc phải học cho thật thuần thục, giống như tôi là một người đã sinh trưởng ở nơi đó vậy.

Tôi chưa biết mình có thuyết phục khán giả được không nhưng trước hết, tôi đã thuyết phục được chính tôi.

Bằng chứng là khi về đến Sài Gòn, tôi còn không nhận ra chính mình nữa. Có lẽ phải mất một thời gian nữa, tôi mới bình thường trở lại được.

Sự đối lập trong tính cách của Sương rất đa dạng và phức tạp: vừa trong sáng vừa già dặn, vừa hồn nhiên vừa lọc lõi, vừa nhân hậu lại vừa chao chát, đanh đá... Chị đã gia giảm cho nó với liều lượng thế nào?

Diễn viên Đỗ Hải Yến: Tôi lập ra đường dây cảm xúc của nhân vật. Với mỗi dự án, tôi đọc kịch bản, phân tích từng biểu đồ cảm xúc của nhân vật và mối quan hệ của nhân vật ấy với các nhân vật khác.

Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất là Sương đã không chọn được cuộc sống mà cô mong muốn, mơ ước. Khi Sương gặp gia đinh ông Võ là thời điểm sau những va đập, cô mong đó sẽ là nơi mà mình bắt đầu lại từ đầu, là gia đình của mình.

Sương kỳ vọng và gây chú ý bằng mọi cách để mong tìm được chỗ nương tựa. Sương yêu thương hai đứa trẻ con của ông Võ nhưng cô chỉ nhận những thứ mình không mong muốn.

Sương là cô gái điếm nhưng vẫn trong sáng, cô ấy muốn thay đổi tất cả, muốn trở thành một con người mới, không có quá khứ.

Nhưng khi gặp phải phản ứng không thuận chiều, phần quá khứ lãng quên của cô ấy đã có lúc trở lại...

“Tôi đã dùng trải nghiệm của chính mình”

Chị nói mình như là người leo núi khi nhận vai Sương, vậy sợi dây bảo hiểm mà chị dùng là gì?

Diễn viên Đỗ Hải Yến: Tôi cố gắng đi từng bước một, thật cẩn trọng vì hoặc là mình ngã, hoặc là mình lên tới đỉnh. Tôi không thể để mình ngã. Tôi cố gắng.

Tôi đã cố gắng hết sức mình và đây là vai diễn duy nhất đến thời điểm đóng máy, tôi cảm thấy sung sướng tột cùng.

Hẳn phải có nhiều kỷ niệm ấn tượng?

Diễn viên Đỗ Hải Yến: “Cú sốc” đầu tiên là khi đặt chân đến Mộc Hóa, vừa bước xuống ghe, tôi đã bị ngã tùm xuống nước mà tôi thì lại không biết bơi, may nhờ bám được vào cái cầu cột ghe, nên mọi người mới kéo lên được.

Thứ hai là kỷ niệm với... muỗi. Muỗi ở Mộc Hóa rất khủng khiếp.

Tôi đã chuẩn bị nhiều thuốc chống muỗi nhưng không có tác dụng gì. Chỉ năm phút là muỗi không còn sợ nữa.

Thứ ba là bộ sưu tập hàng chục vết sẹo...

Buồn cười nhất là hôm quay ở Cần Thơ, khi tôi và anh Dustin Nguyễn mặc đồ hóa trang nhân vật xong, quay về khách sạn thì nhân viên khách sạn không cho lên phòng, cứ đòi phải có giấy tờ.

Từ một Phượng hư hao trong “Người Mỹ trầm lặng”, đến Pao (trong “Chuyện của Pao”), Duyên (trong “Chơi vơi”) - những cô gái mới lớn với bao câu hỏi đầu đời và bây giờ mới được thực sự là một thân phận đàn bà với những phức cảm đa đoan… - các nhân vật của chị dường như luôn… lớn theo tuổi của chị, hay chính chị đã chọn sự thay đổi đó để được “ứng dụng” những trải nghiệm nội tâm của chính mình?

Diễn viên Đỗ Hải Yến: Là diễn viên, dĩ nhiên tôi lựa chọn nhân vật của mình và hạnh phúc nhất của người diễn viên là được sống những cuộc đời khác nhau. Nhưng sự trùng lặp mà bạn nói, có thể lại là ngẫu nhiên, khi khoảng cách thời gian giữa “Chuyện của Pao” đến “Chơi vơi” là khá dài, và cuộc sống thì luôn không ngừng biến động.

Thế nên, ít hay nhiều, tôi cũng đã đem những trải nghiệm và xúc cảm của mình vào vai diễn, nhưng chỉ cái nào “vừa khuôn” với nhân vật.

Chẳng hạn như sự phức tạp, nhạy cảm... Khi đủ truân chuyên, người ta sẽ biết trân trọng hạnh phúc hơn. Nhân vật Sương khao khát một mái ấm gia đình, khao khát tình thương, tình yêu và cô đã làm mọi thứ để có thể có được điều đó nhưng cái cô ấy nhận lại không như mình kỳ vọng.

Nỗi đau đó, có lẽ, hầu như ai trong đời cũng từng phải trải qua./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục