Đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách… đang được các chuyên gia trong nước coi là giải pháp ưu tiên cho du lịch thời COVID-19.
Song, nhiều chuyên gia quốc tế lại cho rằng chính hợp tác công-tư và ưu tiên sức khỏe cộng đồng mới là “chìa khóa” giúp vực dậy ngành “kinh tế xanh” giai đoạn này.
Những bài học từ lịch sử
Đại diện cho khu vực kinh tế tư nhân, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) gồm hơn 200 CEO thành viên. Trong đó, 90% phân phối tập trung tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ, 10% còn lại thuộc các khu vực khác. WTTC bao trùm mọi lĩnh vực trong khu vực kinh tế.
[PTT Vũ Đức Đam: Cần số hóa nguồn tài nguyên để phát triển du lịch]
CEO đồng thời là Chủ tịch WTTC, bà Gloria Guevara, chia sẻ: “30 năm qua, WTTC cung cấp các nghiên cứu về ảnh hưởng kinh tế cho 185 quốc gia. Chúng tôi định lượng các phần đóng góp trong du lịch và lữ hành từ đó đưa ra con số 10%.”
Thực tế, chín năm qua, tốc độ phát triển của nhóm ngành này cao hơn hẳn so với tốc độ trung bình của nền kinh tế. Năm 2019 cũng không phải ngoại lệ khi hai số liệu chênh lệch tới 40%. Cứ 10 lao động thì có một người của ngành dịch vụ và lữ hành. Ngành dịch vụ lữ hành đã tạo ra 230 triệu việc làm.
Từ kết quả nghiên cứu, bà Gloria Guevara cho rằng có thể định lượng được số người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 tăng từ 50 triệu lên 75 triệu và gần đây nhất đã tăng lên 121 triệu người. Nếu không có giải pháp kịp thời, con số có thể còn tăng lên khoảng 200 triệu người và sẽ thực sự trở thành mối quan ngại lớn đối với nhóm ngành dịch vụ, lữ hành.
Không chỉ nghiên cứu để định lượng ảnh hưởng kinh tế, WTTC còn đi sâu vào các cuộc khủng hoảng. Trong bản báo cáo vào tháng 11/2019, WTTC đã đề cập tới 90 trường hợp xảy ra trong 20 năm qua và rút ra 3 bài học.
Đầu tiên là sự kiện 11/9 chưa từng có tiền lệ gây khủng hoảng lớn, ảnh hưởng tới nhóm ngành du lịch và lữ hành khiến quá trình phục hồi mất nhiều năm. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do công-tư hoạt động độc lập, các quốc gia đưa ra những bộ quy ước riêng mà không hợp tác với khu vực kinh tế tư nhân. Dẫn đến chúng gây nhiều bất trắc và sự thiếu nhất quán trong quy trình an ninh, đặc biệt tại các sân bay.
“Sau 19 năm, sự xuất hiện của COVID-19 khiến việc ra vào các sân bay khắp thế giới có nhiều thay đổi và khó khăn hơn trước. Thiếu giao thức chuẩn hóa ảnh hưởng tới quá trình phục hồi là một trong những lý do,” bà Gloria Guevara nói.
Bài học thứ hai đến từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Thế giới phục hồi khá nhanh sau 18 tháng (ở mức trung bình) theo biểu đồ hình chữ V do đã nhận thức được tầm quan trọng của sự hợp tác công-tư và thành lập diễn đàn G20.
Cuối cùng là bài học từ các đợt bùng phát dịch trước đây mà châu Á có rất nhiều kinh nghiệm. Các đại dịch SARS, MERS và EBOLA tại châu Phi đã chứng minh con người có thể đi lại ngay cả khi chưa có vaccine.
Các chuyên gia khẳng định truy dấu tiếp xúc như cách mà Việt Nam đang làm với COVID-19 là vô cùng quan trọng, khi 80% người nhiễm không có triệu chứng. Do đó, biện pháp này được khuyến khích để phát huy hiệu quả tại nhiều quốc gia, giúp họ phục hồi nhanh hơn.
“Chìa khóa” để du lịch phục hồi
Qua những bài học mà Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới phân tích, các chuyên gia thế giới đã rút ra 4 giải pháp, 4 nguyên tắc cho việc phục hồi.
Đầu tiên, qua cuộc khủng hoảng năm 2008, thế giới nhận ra cần phải có cách tiếp cận mang tính phối hợp công-tư cao hơn, mở cửa lại biên giới, gỡ bỏ các rào cản cần thực hiện bằng cách điều phối chặt chẽ. Ví dụ, với các đường hành lang thiết lập tại châu Á, họ xem xét thành phần y tế, du lịch và chính trị nên việc phối hợp ăn ý rất quan trọng, nhằm tránh việc áp đặt lệnh cách ly không lý do bởi điều đó không giúp kinh tế phục hồi.
Thứ hai, cần đơn giản hóa trải nghiệm du lịch với hai giai đoạn trước và sau khi có vaccine. Chúng ta không đủ khả năng kinh tế để đóng băng du lịch hoàn toàn khi chưa có vaccine thì phải học cách sống chung với đại dịch, cụ thể là bằng cách truy dấu tiếp xúc. Đó là lý do tại sao nhiều nước tiến hành xét nghiệm tại khu vực làm thủ tục để cách ly những người có bệnh, hạn chế tối đa và ngăn chặn lây lan.
Thứ ba là việc áp dụng các quy ước quốc tế. Đây là việc làm quan trọng và thiết yếu giúp gây dựng lại niềm tin của du khách. Đó là lý do WTTC đưa ra những quy ước này để tạo nhất quán trong hành trình.
“Thứ tư là duy trì hỗ trợ từ Chính phủ, không chỉ trong khủng hoảng mà còn phục vụ quá trình hồi phục để vượt qua những thời khắc khó khăn,” bà Gloria Guevara nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Zurab Pololikashvili, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho rằng đại dịch đòi hỏi sự chống trả mạnh mẽ, những quyết sách đúng đắn tại thời điểm thích hợp.
“Tôi tán dương tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam. Việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia và đóng cửa các biên giới kịp thời đã cứu nhiều mạng người. Hiện tại, khi du lịch nội địa đã khởi động, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là một điển hình cho tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo,” ông Zurab Pololikashvili nói.
Ông Zurab Pololikashvili cũng cam kết Tổ chức Du lịch thế giới sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thích ứng với thực trạng. Bộ hướng dẫn Tái khởi động ngành Du lịch toàn cầu của Tổ chức Du lịch thế giới là lộ trình phù hợp, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công-tư và ưu tiên sức khỏe cộng đồng.
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, ông Trần Trọng Kiên khẳng định thị trường nội địa sẽ giúp vực dậy ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay.
Ông Trần Trọng Kiên cũng chia sẻ 3 giải pháp chiến lược nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho toàn ngành thời điểm trong đại dịch sau đại dịch.
Thứ nhất là phát triển thị trường du lịch nội địa trở thành thị trường nguồn quan trọng, đóng góp 55-75% tổng doanh thu của ngành trong 2-3 năm tới. Thứ hai, tăng năng lực cạnh tranh của toàn ngành du lịch Việt Nam, đồng bộ với các phương án mở cửa an toàn trong khi chờ có vaccine COVID-19.
Thứ ba, ông Kiên cũng đồng tình với quan điểm của ông Zurab Pololikashvili với các giải pháp về cơ chế đối thoại công-tư hiệu quả trong lĩnh vực du lịch.
Trong đó, để phát triển thị trường du lịch, cần hỗ trợ doanh nghiệp có dòng tiền và kích cầu tạo thị trường. Ngoài ra, cần tái cấu trúc và chuẩn bị phục hồi du lịch quốc tế bằng các giải pháp căn cơ tăng cường năng lực cạnh tranh, mở cửa du lịch an toàn trước khi có vaccine.
Ông Kiên cũng đề xuất cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Chính phủ với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thực trạng và có giải pháp ứng phó.
Ông cũng đánh giá cao Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) với cơ chế tiên tiến, hỗ trợ cho ngành du lịch Việt Nam, gồm hơn 20 thành viên là các tập đoàn du lịch, hàng không, lữ hành, khách sạn lớn. Mô hình TAB cũng cần kiện toàn theo hướng có cơ chế báo cáo trực tiếp và thường xuyên với Bộ chủ quản và Phó thủ tướng phụ trách, giúp tháo gỡ nhanh khó khăn cho ngành, thị trường, các doanh nghiệp./.