Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương là một gương mặt nổi bật trên thi đàn Việt Nam với những tập thơ như “Trà nguội,” “Người đàn bà chơi dao sắc”… Chị từng xuất bản 8 tác phẩm thơ và truyện, giành nhiều giải thưởng văn chương. Rồi bất ngờ, chị chuyển ra nước ngoài sinh sống và “im lặng” đến 10 năm...
Những ngày đầu mùa Hạ năm 2022, chị trở về quê hương và “bật mí” rằng mình sắp có một tác phẩm mới, hoàn toàn khác với một Đặng Thị Thanh Hương mạnh mẽ, sôi nổi và có phần ồn ào thuở trước.
Cái tôi khao khát yêu và được yêu
Đặng Thị Thanh Hương sinh ra và lớn lên ở thị xã Yên Bái, học chuyên toán nhưng lại thi khối C vào trường Đại học Văn hóa. Tối nghiệp, chị trở về Yên Bái, lấy chồng, dạy học tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Yên Bái.
Sau giờ lên lớp, chị lại âm thầm làm thơ và bắt đầu đoạt nhiều giải thưởng. Đó là sự động viên để chị làm đơn thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Tập thơ đầu tay “Cổ tích tình yêu” (1992) in chung với hai nhà thơ khác đã đưa Đặng Thị Thanh Hương chính thức vào nghề. Năm đó chị 27 tuổi.
Không chỉ làm thơ, Đặng Thị Thanh Hương còn có thời gian làm báo. Dấn thân vào mảng phóng sự điều tra, chị cũng giành được nhiều giải thưởng báo chí giai đoạn 1996-1997.
Cuộc hôn nhân đầu tiên kéo dài 11 năm thì kết thúc bởi nhà thơ “mệt mỏi vì trách nhiệm và khao khát tự do.” Chị bước chân vào nghề kinh doanh nhưng vẫn sáng tác đều đặn.
Năm 2006 thì chị bước vào cuộc hôn nhân thứ hai nhưng rồi nhà thơ vẫn dang dở “Thôi hết rồi duyên nợ/ Vợ về bàn tay không.”
[Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Buông bỏ chấp niệm, tự biết thế nào là đủ]
Từ những trải nghiệm đó, đề tài chính trong thơ chị là tình yêu của người phụ nữ với những đổ vỡ, mất mát, bất hạnh, đau thương nhưng vẫn giàu nghị lực và niềm tin vào tương lai phía trước.
Trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, thơ của chị vẫn toát lên một cái tôi lúc nào cũng khao khát yêu và được yêu, yêu đến hết mình, yêu đến tận cùng như chính nhà thơ từng chia sẻ.
Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương là một trong những tác giả nữ để lại những dấu ấn đặc biệt, từng “dậy sóng” trên văn đàn thơ ca đương đại. Chị được đánh giá là một gương mặt thơ với những sáng tạo độc đáo, tạo cho mình một phong cách riêng, với những đóng góp mới, có giá trị cho nền văn học đương đại nước nhà.
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, nguyên Hiệu trưởng Trường viết văn Nguyễn Du từng nhận xét: “Thơ Đặng Thị Thanh Hương độc đáo, sâu lắng, phá cách và giàu hình tượng, tạo nên một mỹ cảm mới chưa từng có trong thơ nữ Việt Nam hiện đại.”
Điềm tĩnh sau những trầm luân
Cách đây 3 năm, vì lý do gia đình, nhà thơ chuyển sang Mỹ sinh sống. Những biến động về thời gian, không gian, về tuổi tác và tâm lý… tất cả đều để lại những dấu ấn thật khó phai mờ. Và cảm xúc ấy được chị ghi lại trong hơn 300 bài thơ để rồi hôm nay, chọn lọc 91 bài để in trong tập thơ mới "Cánh cửa bên kia trời."
Ngày 20/5, tại Hà Nội, nhà thơ ra mắt tập thơ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, đánh dấu sự trở lại văn đàn sau 10 năm vắng bóng.
“Thơ ca, với bạn đọc là sự cảm nhận và chia sẻ, còn với nhà thơ chính là sự trải nghiệm trong trầm luân của tâm hồn. Tập thơ này được in rất nhanh trong thời gian hơn một tháng qua tôi từ Mỹ trở về,” nhà thơ chia sẻ.
Tập thơ cũng vẫn theo mạch cảm xúc “khát khao yêu và được yêu” nhưng có thêm sự trầm tĩnh, giàu triết lý của một người phụ nữ xa quê hương và từng trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời.
Tác phẩm gồm 3 phần: “Những giấc mơ đàn bà” “Nắng vàng phương khác” và “Cánh cửa bên kia trời.”
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, nhà thơ cho biết Những giấc mơ đàn bà” là những trang nhật ký về đời người đàn bà đã đi qua hết thảy những vui buồn nhân thế, những khát vọng, sự xác tín về khổ đau và hạnh phúc. “Nắng vàng phương khác” là những trải nghiệm, sự quan sát của một người phụ nữ làm thơ xa xứ và “Cánh cửa bên kia trời” mở ra không gian của một cõi khác. Đó là nơi chúng ta chưa ai từng qua nhưng rồi ai cũng phải đi đến và dừng lại ở chặng cuối cùng của chuyến tàu cuộc đời.
Trái với những tuyên ngôn mạnh mẽ trong những tác phẩm trước đây, tập thơ "Cánh cửa bên kia trời" mang tính quan sát và sự lắng đọng nhiều hơn, nhất là khi chị chứng kiến đại dịch COVID-19 đi qua, lấy đi mạng sống của nhiều người.
“Tôi bỗng thấy cuộc sống ngắn ngủi và vô thường. Chúng ta không biết phía trước sẽ thế nào, sau ‘cánh cửa’ tương lai có gì đang chờ. Tôi thấy mình khác hẳn thời điểm 10 năm trước, không còn sôi nổi, thích hào quang, thích lập ngôn nữa. Tôi chững lại để nhìn nhận những giá trị của cuộc sống,” chị tâm sự.
Khi được hỏi chị kỳ vọng điều gì phía sau “cánh cửa,” nhà thơ mỉm cười thừa nhận rằng chị không còn cầu toàn như hồi trẻ.
“Tôi học cách chấp nhận mọi vui buồn cuộc sống, sẵn sàng đón nhận cả những điều không hoàn hảo,” chị nói.
Đánh giá về tập thơ mới của Đặng Thị Thanh Hương, nhà thơ Nguyễn Quyến nhận xét: “Trong trái tim một người đàn bà xa xứ, những người đàn ông không còn là đích ngắm, mà chỉ còn là hồi tưởng, các động từ đã hướng vào bên trong, chữ yêu đã nhuốm chút tà mị. Chính ở đấy, ở nơi chiến trường mà tình yêu cứ ngỡ chỉ còn là hồi ức mênh mang, Đặng Thị Thanh Hương đã khiến ngôn ngữ một lần nữa thức dậy, hút lấy 'chất tủy sống' của thời gian, xóa bỏ cái màn ngăn cách hư ảo của ký ức để một lần nữa 'trút xiêm áo' ngôn từ với tình yêu thơ ca."./.
Tác phẩm chính của nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương: “Cổ tích tình yêu” (thơ, 1992), “Phiên bản” (thơ, 1993), “Những chiều mưa đi qua” (truyện ngắn, 1994), “Vọng đêm” (thơ, 1997), “Những con ốc chờn ren” (thơ, 2002), “Trà nguội” (thơ, 2010), “Người đàn bà chơi dao sắc” (thơ, 2012), “Con đã đến trong cuộc đời này” (truyện, 2012). |