Tại Indonesia, quốc gia có đông người theo đạo Hồi nhất thế giới, các nhóm khủng bố có liên hệ với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng vẫn là mối đe dọa bất chấp chúng đã bị đánh bại ở Iraq và Syria và việc các thành viên trong gia đình cùng thực hiện hành vi khủng bố đang là xu hướng mới đáng quan ngại ở Indonesia và khu vực Đông Nam Á.
Bằng chứng mới nhất là câu chuyện về một cặp vợ chồng thực hiện vụ tấn công khủng bố tại nhà thờ Công giáo tại Makassar, thuộc tỉnh Nam Sulawesi, miền Trung Indonesia, khiến 20 người bị thương.
Hai đối tượng này vừa làm đám cưới vào tháng 8/2020 tại nhà của Rizaldi, người đứng đầu một nhóm tín đồ Hồi giáo ở Sulawesi.
Vụ tấn công xảy ra sau khi Rizaldi bị các lực lượng chống khủng bố tiêu diệt hồi tháng 1/2021. Hai thủ phạm đều thiệt mạng trong vụ tấn công và vụ việc cho thấy IS đang thúc đẩy mô hình "gia đình khủng bố."
[Tổng thống Indonesia chỉ thị lực lượng an ninh đề cao cảnh giác]
Vụ đánh bom nhà thờ ở Makassar là vụ tấn công thứ 3 do một cặp vợ chồng đánh bom liều chết tiến hành từ Indonesia những năm gần đây.
Trước đó, tháng 5/2018, một gia đình người Indonesia gồm hai vợ chồng và 4 người con đã thực hiện đánh bom tại một loạt nhà thờ ở thành phố Javanese (Surabya) làm 28 người thiệt mạng.
Gần một năm sau đó, Ulfa Handayani Saleh và chồng là Rullie Rian Zeke, đều là người Indonesia, đã đánh bom một nhà thờ ở Jolo, miền Nam Philippines, làm 23 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Ulffa là em gái của Rizaldi.
Học giả tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, ông Noor Huda Ismail thừa nhận: "Rất nhiều người Indonesia đã gia nhập IS theo nhóm thành viên trong cùng gia đình."
Theo bà Sidney Jones, Giám đốc Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC, có trụ sở tại Jakarta), hơn 1.000 người Indonesia đã rời bỏ đất nước để gia nhập IS, đôi khi là cả gia đình, bao gồm cả trẻ em còn rất nhỏ.
Một phần họ bị ảnh hưởng của những lời tuyên truyền rất hiệu quả của IS về việc lý tưởng hóa khái niệm nuôi dạy con trong một nhà nước Hồi giáo thuần túy. Hàng trăm người đã bị trục xuất và trở lại Indonesia sau khi IS bị đánh bại năm 2019.
Ông Taufik Andrie, giám đốc tổ chức hỗ trợ các tay súng từ bỏ chủ nghĩa cực đoan và hòa nhập cộng đồng ở Indonesia, cho rằng việc sử dụng trẻ em trong các cuộc tấn công là hành động khủng khiếp.
"Điều này cho thấy hệ tư tưởng cực đoan có thể lôi kéo trẻ em. Trẻ em không có sự lựa chọn và không thể hiểu được các hành động liên quan đến khủng bố," ông Andrie nhận định.
Chuyên gia phân tích khủng bố Indonesia Stanislaus Riyanta cho rằng việc sử dụng một gia đình đi khủng bố nhằm tránh sự chú ý của cảnh sát.
Là đất nước có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới, Indonesia nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á hứng chịu nhiều vụ tấn công do các nhóm liên hệ với IS thực hiện trong những năm gần đây. IS đã đẩy mạnh truyền bá ở Đông Nam Á sau vụ tấn công thủ đô Jakarta năm 2016./.