Cảnh báo về tình trạng thiếu nhân viên hộ sinh trên toàn cầu

Theo báo cáo, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đến 900.000 hộ sinh, tương đương 1/3 nhu cầu hộ sinh trên thế giới đang làm gia tăng "khủng khiếp" số trường hợp tử vong "lẽ ra có thể ngăn ngừa được."
Cảnh báo về tình trạng thiếu nhân viên hộ sinh trên toàn cầu ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: PV/Vietnam+)

Báo cáo tình trạng hộ sinh thế giới được công bố ngày 5/5 khẳng định đến năm 2035, sẽ có khoảng 4,3 triệu sinh mạng được cứu sống mỗi năm nếu các quốc gia đầu tư cho việc tăng số lượng nhân viên hộ sinh và chất lượng chăm sóc của họ.

Phóng viên TTXVN tại châu Phi đưa tin, ấn bản báo cáo mới nhất, do Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Tổ chức Y tế Thế giới và Liên đoàn hộ sinh quốc tế công bố đúng vào Ngày quốc tế hộ sinh, cho thấy nếu đầu tư đầy đủ vào ngành hộ sinh sẽ giúp ngăn chặn khoảng 67% số ca tử vong ở bà mẹ, 64% ca tử vong ở trẻ sơ sinh và 65% trường hợp thai chết lưu.

Báo cáo đánh giá thực trạng của lực lượng hộ sinh và các nguồn lực y tế liên quan ở 194 quốc gia cho biết hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh tử vong trong khi hàng triệu người khác gặp phải tình trạng sức khỏe hoặc thương tật do nhu cầu của phụ nữ mang thai và kỹ năng của nhân viên hộ sinh không được nhìn nhận đúng mức hoặc ưu tiên.

Theo báo cáo, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đến 900.000 hộ sinh, tương đương 1/3 nhu cầu hộ sinh trên thế giới đang làm gia tăng "khủng khiếp" số trường hợp tử vong "lẽ ra có thể ngăn ngừa được."

Cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 càng làm trầm trọng thêm những vấn đề này, với nhu cầu sức khỏe của phụ nữ và trẻ sơ sinh bị coi nhẹ, các dịch vụ hộ sinh bị gián đoạn và các nhân viên hộ sinh được điều động sang các dịch vụ y tế khác.

[Dân số trẻ em ở Nhật Bản thấp kỷ lục sau 40 năm giảm liên tiếp]

Giám đốc điều hành UNFPA, Tiến sỹ Natalia Kanem nhận định báo cáo của Tổ chức hộ sinh thế giới gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng hiện nay thế giới cần gấp 1,1 triệu nhân viên y tế thiết yếu để chăm sóc sức khỏe tình dục, sinh sản, bà mẹ, trẻ sơ sinh và vị thành niên, với 80% trong số này là nhân viên hộ sinh.

Bà cho biết UNFPA đã dành hơn 1 thập kỷ để tăng cường giáo dục, nâng cao điều kiện làm việc và hỗ trợ vai trò lãnh đạo của ngành hộ sinh và cơ quan này thấy rằng những nỗ lực này có hiệu quả, nhưng cần được đầu tư thêm. 

Báo cáo tình trạng hộ sinh thế giới được đưa ra năm 2014 cũng đưa ra lộ trình để khắc phục tình trạng thiếu hụt này, tuy nhiên tiến độ trong 8 năm qua “vẫn quá chậm chạp.”

Phân tích trong báo cáo mới nhất cho thấy, với tốc độ tiến triển hiện tại, tình hình sẽ chỉ được cải thiện một chút vào năm 2030.

Báo cáo tình trạng hộ sinh thế giới 2021 cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện việc cung cấp dịch vụ sức khỏe tình dục, sinh sản, bà mẹ, trẻ sơ sinh và vị thành niên cũng như khả năng lãnh đạo và quản trị hộ sinh.

Các khuyến nghị này sẽ là chủ đề cuộc họp giữa các bộ trưởng y tế vào ngày 18/5 và các cuộc đối thoại tại Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 74 vào ngày 24/5. Tại đây, các quốc gia thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự kiến sẽ thông qua các định hướng chiến lược toàn cầu về điều dưỡng và hộ sinh giai đoạn 2021-2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục