Công tác phòng chống và loại trừ sốt rét hiện nay đang gặp một số khó khăn về mặt kỹ thuật và đầu tư kinh phí. Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Thanh Long bày tỏ lo ngại tình trạng sốt rét kháng thuốc từ những người đi lao động từ Lào, Campuchia và một số nước châu Phi mang ký sinh trùng sốt rét về nước có xu hướng gia tăng. Trong tổng số 9.000 ca sốt rét mỗi năm thì có đến một nửa là sốt rét ngoại lai.
Bên cạnh đó, các kết quả đạt được trong công tác phòng chống sốt rét ở Việt Nam là chưa bền vững, nguy cơ sốt rét gia tăng vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương.
Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại “Hội thảo tăng cường đầu tư giữ vững thành quả, hướng tới loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam” nhân ngày phòng chống bệnh sốt rét thế giới (25/4).
[Dịch sởi gia tăng ở các khu vực có di biến động dân cư cao]
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011-2020 đã và đang được thực hiện có hiệu quả. Nếu như trước đây có thời điểm phát hiện 1 triệu người mắc sốt rét mỗi năm, trong đó 5.000 bệnh nhân tử vong thì đến nay số ca mắc đã giảm 83% so với 7 năm trước, số ca tử vong cũng chỉ còn 2-4 trường hợp mỗi năm.
Phó giáo sư Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết, năm 2017, cả nước ghi nhận hơn 8.400 trường hợp mắc bệnh sốt rét, 6 trường hợp tử vong.
Các báo cáo và tham luận tại hội thảo cho thấy, thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, công tác phòng chống và loại trừ sốt rét đã đạt được các kết quả đáng kể đó là tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét liên tục giảm hàng năm. So với năm 2011, tỷ lệ mắc sốt rét trên 1.000 dân năm 2017 giảm 84%, số bệnh nhân sốt rét giảm 81%, số ký sinh trùng sốt rét giảm 72%, số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 57%, không có dịch sốt rét xảy ra.
Mỗi năm có hàng triệu người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng biện pháp phòng chống muỗi sốt rét (phun tồn lưu và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi) và hàng chục nghìn bệnh nhân được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2017 có 91 Quốc gia trên Thế giới có bệnh sốt rét lưu hành, ước tính có khoảng 3 tỷ người có nguy cơ mắc sốt rét. Bệnh sốt rét lây truyền dễ dàng qua muỗi đốt; chưa có vắcxin phòng bệnh sốt rét.
Dịch bệnh sốt rét vẫn diễn biến phức tạp
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, tuy nhiên, dịch bệnh sốt rét vẫn diễn biến phức tạp và khó dự báo tại một số địa phương có sự di dân rất lớn như khu vực miền Trung Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt sốt rét kháng thuốc có nguy cơ lan rộng, là một trong những thách thức lớn cản trở việc loại trừ sốt rét tại Việt Nam.
Điển hình như tại một số tỉnh thuộc khu vực Miền Trung-Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ diễn biến phức tạp. Một số tỉnh có nhiều người mang ký sinh trùng sốt rét như: Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị. Bệnh sốt rét có nguy cơ quay trở lại, gia tăng số mắc, số tử vong và có thể gây thành dịch.
Sự xâm nhập của sốt rét kháng thuốc và ngay cả quần thể muỗi cũng đã kháng lại hóa chất là một thách thức lớn trong công tác loại trừ bệnh sốt rét; Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có nguy cơ lan rộng ra nhiều địa phương khác, muỗi truyền bệnh thay đổi tập tính đốt người.
Đây là một vấn đề Tổ chức Y tế Thế giới rất quan ngại và cảnh báo tới Việt Nam. Bởi sốt rét kháng thuốc trong tương lai cần lưu ý và có các biện pháp quyết liệt hơn.
Theo phó giáo sư Dương, hiện nay kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế có nguy cơ cắt giảm sẽ gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét dẫn đến có thể làm gia tăng cao số mắc và tử vong do sốt rét. Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch sốt rét ở nhiều địa phương và sốt rét kháng thuốc lan rộng, bệnh sốt rét sẽ có những diễn biến phức tạp và khó dự báo, đặc biệt tại các vùng sốt rét lưu hành vừa và lưu hành nặng.
Để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 tiến tới loại trừ sốt rét ở Việt Nam, Chương trình phòng chống sốt rét tiếp tục thực hiện thường xuyên công tác giám sát, phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, quản lý ca bệnh, quản lý đối tượng dân di biến động, đặc biệt đối với người dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, người trở về từ các nước có sốt rét lưu hành.
Ngành y tế sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư nguồn lực của các tổ chức quốc tế để đảm bảo nguồn lực đầu tư bền vững cho các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả trong những năm tới.
Theo các chuyên gia y tế, việc tăng cường đầu tư về nguồn lực là một trong những điều kiện tiên quyết để duy trì những thành quả trong công tác phòng chống sốt rét đã đạt được trong những năm qua và tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030./.
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền chủ yếu qua muỗi Anopheles.
Biểu hiện ban đầu của bệnh là rét run - sốt nóng, sau đó vã mồ hôi. Nhiều trường hợp mắc sốt rét không có cơn sốt điển hình, người bệnh chỉ cảm thấy ớn lạnh. Sốt rét nếu chẩn đoán chậm trễ, có biến chứng nguy hiểm hay còn gọi sốt rét ác tính có thể tử vong trong vòng 12 giờ.