Theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 12/11 trên tạp chí Khoa học của Mỹ, tảng băng khổng lồ ở Đông Bắc Greenland với lượng băng khi tan chảy có thể làm mực nước biển trên thế giới dâng lên 50cm, đang trôi với tốc độ nhanh hơn về phía biển.
Nghiên cứu chỉ ra từ năm 2012 do nước biển ấm dần lên, nửa trên của tảng băng Zachariae Isstrom đã tách khỏi phần đá nền bên dưới và đến nay đã bắt đầu nổi lên và trôi nhanh hơn về phía biển.
Nhiều tảng băng nhỏ cũng bắt đầu vỡ ra và trôi về các đại dương một lượng băng lên tới 5 triệu tấn/năm. Các chuyên gia đánh giá một khi phần băng đã tách khỏi lớp đá nền bên dưới thì chỉ cần một biến đổi khí hậu nhỏ cũng sẽ khiến tốc độ băng tan ở Greenland nhanh hơn rất nhiều.
Kết quả nghiên cứu dựa trên các phân tích hình ảnh vệ tinh và các khảo sát trên không cũng cho thấy một tảng băng gần đó có tên "79" cũng đã tan chảy nhanh hơn, nhưng tốc độ băng trôi đang được hạn chế nhờ phần đá nền nhấp nhô bên dưới.
Theo nhà khoa học Jeremie Mouginot đến từ Đại học Califonia ở Irvine (UCI), tác giả chính của báo cáo, những biến đổi tương tự thậm chí ở quy mô lớn hơn cũng đang diễn ra ở Nam Cực.
Theo ước tính, toàn bộ lượng băng tại Greenland nếu tan chảy có thể khiến mực nước biển tăng lên tới 6m. Trong giai đoạn từ năm 2000-2011, mỗi năm Greenland mất đi khoảng 211 tỷ tấn băng, tương đương với 0,6mm nước biển dâng/năm trong khi lượng băng tan mỗi năm cũng đang ở mức cao hơn so với lượng tuyết rơi để bù lại lượng băng đã mất.
Kể từ năm 1900, lượng băng tan ở Greenland và Nam Cực đã nâng mực nước biển lên 20cm./.