Cảnh báo tình trạng giữ trẻ tại các cơ sở chăm sóc tập trung để thu hút tài trợ

Luật Trẻ em quy định rõ phải ưu tiên trẻ em được chăm sóc thay thế bằng môi trường gia đình, chăm sóc tập trung là biện pháp cuối cùng nhưng một số cơ sở không tuân thủ, giữ trẻ để thu hút tài trợ.

Chiều ngày 4/9 các đơn vị trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Quận 12 cùng các cơ quan chức năng đã thực hiện đưa 85 trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng về 3 cơ sở Công lập trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Chiều ngày 4/9 các đơn vị trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Quận 12 cùng các cơ quan chức năng đã thực hiện đưa 85 trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng về 3 cơ sở Công lập trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên liên quan vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng (Thành phố Hồ CHí Minh) sáng ngày 5/9, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng đây là sự việc gây bức xúc dư luận xã hội, bởi hành vi bạo lực diễn ra với cả trẻ sơ sinh, đây là những hành vi không bao giờ được phép xảy ra ở cơ sở có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Nhận gấp 3 lần số trẻ cho phép

Theo ông Đặng Hoa Nam, ngay khi tiếp nhận vụ việc, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có công điện gửi và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh thực hiện khẩn cấp ba nhiệm vụ: Yêu cầu xác minh và xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan; triển khai các biện pháp chăm sóc và đảm bảo an toàn cho các nạn nhân là trẻ em; đề ra các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở chăm sóc trẻ em.

Chính quyền Thành Phố Hồ Chí Minh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng lập đoàn kiểm tra cơ sở mái ấm Hoa Hồng. Tại đây, cơ quan chức năng tiến hành đưa các bé từ cơ sở mái ấm Hoa Hồng đến các cơ sở chăm sóc công lập, để đảm bảo an toàn. Đến giờ phút này, các cháu được an toàn, chăm sóc tốt.

Với cơ sở mái ấm Hoa Hồng, ông Đặng Hoa Nam cho biết theo giấy phép hoạt động, cơ sở này chỉ được nhận tối đa 39 trẻ, nhưng thực tế có thời điểm gần gấp 2-3 lần. Việc đón trẻ vượt năng lực chăm sóc dẫn đến trẻ không an toàn, không được chăm sóc đầy đủ. Theo đó, Cục Trẻ em đề nghị Thành Phố Hồ Chí Minh thời gian tới phải thiết lập được cơ chế, mạng lưới điều phối chuyển tuyến tại các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung. Cầu nối điều phối có thể là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm Công tác xã hội trực thuộc thành phố.

“Các đơn vị trên có nhiệm vụ thông báo đến các cơ sở trợ giúp xã hội về việc không được phép giữ trẻ ở lại khi quá tải, để trẻ luôn luôn được chăm sóc trong môi trường tốt nhất,” ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh

Mặt khác, Cục trưởng Cục Trẻ em cũng cảnh báo có tình trạng các cơ sở trợ giúp xã hội đang có tình trạng giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng xã hội, không muốn chuyển trẻ đi cơ sở khác. Luật Trẻ em có quy định rõ phải ưu tiên cho trẻ em được chăm sóc thay thế bằng môi trường gia đình, chăm sóc tập trung là biện pháp cuối cùng nhưng nhiều cơ sở đang không tuân thủ quy định này.

“Các chủ cơ sở trợ giúp xã hội khi tiếp nhận trẻ phải lập danh sách báo cáo cơ quan chức năng để điều tiết điều phối chuyển tuyến, hoặc phối hợp với chính quyền địa phương chuyển trẻ về với gia đình gốc hoặc tìm gia đình nuôi dưỡng thay thế. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này chưa được nghiêm,” ông Đặng Hoa Nam nói.

Khuyến khích lắp camera giám sát

Để không tái diễn các trường hợp bạo hành trẻ em tại các cơ sở chăm sóc, Cục trưởng Cục trẻ em cho rằng cần nâng cao trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý. Đặc biệt là sự giám sát thường xuyên của chính quyền và cơ sở nuôi dạy và chăm sóc trẻ, một trong những giải pháp là có thể qua hệ thống camera nội bộ.

74640573acb80be652a9.jpg
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Đặng Hoa Nam, cho biết hiện nay quy định pháp luật chưa có quy định bắt buộc các cơ sở trợ giúp xã hội phải lắp camera phục vụ công tác hậu kiểm tránh kiểm tra trên sổ sách. Tuy nhiên, Cục Trẻ em sẽ sớm nghiên cứu tham mưu cho cấp thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, nhằm phát hiện sớm các trường hợp bạo hành, ngược đãi trẻ em.

“Trong thời đại 4.0, chúng ta sẽ cân nhắc bắt buộc nhưng trước mắt khuyến khích các cơ sở trợ giúp xã hội lắp camera để giám sát nội bộ,” ông Nam nói.

Mặt khác, Cục trưởng Cục trẻ em cho biết thêm hiện nay các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em đã đầy đủ, quan trọng là công tác triển khai thực hiện phải đúng và đủ, quy định rõ điều kiện người chăm sóc trẻ là phải có kiến thức, kỹ năng, lý lịch tư pháp… Tuy nhiên trong thực tế việc giám sát đội ngũ này như thế nào cũng cần phải xem lại.

Về lâu dài, ông Đặng Hoa Nam cho rằng hành vi bạo hành trẻ em rất khó phát hiện, nó diễn ra có thể diễn ra ở từng ngôi nhà, sau mỗi cánh cửa, trong đêm tối… Do đó, cần đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, có trách nhiệm giám sát, theo dõi thường xuyên các trường hợp trẻ em dễ bị xâm hại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục