Cảnh báo thủ đoạn mạo danh bác sỹ bệnh viện để lừa đảo bệnh nhân

Nhiều đối tượng tự nhận là bác sỹ của các cơ sở y tế có tiếng để quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh. Điều này ảnh hưởng tới danh tiếng, uy tín của bác sỹ và các cơ sở y tế.
Mạng xã hội xuất hiện đoạn clip giả danh bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhằm trục lợi. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan tình trạng lợi dụng hình ảnh, mạo danh người nổi tiếng, thậm chí tự nhận là bác sỹ của các cơ sở y tế có tiếng để quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh. Điều này ảnh hưởng tới danh tiếng, uy tín của bác sỹ và các cơ sở y tế.

Mạo danh bác sỹ

Ngày 17/5, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết đơn vị đã nhận được một đoạn clip, trong đó có nhân vật tự xưng là bác sỹ của bệnh viện chia sẻ và giới thiệu cuốn sách mang tên "Minh triết trong ăn uống của người phương Đông."

Đặc biệt, người này khẳng định chỉ có đọc và làm theo cuốn sách mới có thể chữa bệnh cho mọi người chứ không phải các phương pháp y học hiện đại.

Clip này đã được một người chia sẻ lên trang Facebook cá nhân tên H.V.N (có đến 203.000 người theo dõi), thu hút hơn 1.600 lượt tương tác và hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận.

Sau đó, chủ của trang Facebook có tên H.V.N sẽ dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng mà người đó bán.

[Cảnh báo việc giả mạo bác sỹ, lương y tư vấn bán sản phẩm chữa bệnh]

Việc đối tượng tự xưng là bác sỹ của bệnh viện vô tình khiến không ít người nhẹ dạ tin rằng "Bác sỹ Quân y 108" đã khẳng định chỉ cần áp dụng "liệu pháp chữa lành tự nhiên" là "chữa tất cả các bệnh."

Đây không phải là lần đầu tiên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhận được phản ánh của nhân dân và người bệnh về tình trạng một số đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhằm lừa đảo người bệnh và người nhà người bệnh để trục lợi.

Hồi tháng Hai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phải lên tiếng cảnh báo: Không chỉ mạo danh, sử dụng những danh xưng lập lờ liên quan đến bệnh viện, một loạt trang Fanpage giả mạo vừa được lập ra đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa trang Fanpage chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Thậm chí, các trang giả mạo này còn cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm, hòng tạo niềm tin và lôi kéo người theo dõi trang, từ đó tổ chức kinh doanh các mặt hàng thuốc trái phép.

Câu chuyện mạo danh “bệnh viện 108,” “bác sỹ viện 108” và các chuyên ngành của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không còn xa lạ, đã xuất hiện từ lâu như chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, cơ xương khớp, nội tiết… nhưng gần đây các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn tinh vi ngay tại khuôn viên của bệnh viện.

Theo ghi nhận, một số đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là người bệnh, người nhà người bệnh đi khám tại bệnh viện ngay tại phòng khám thuộc khu khám bệnh của bệnh viện.

Trong khi chờ đợi vào phòng soi dạ dày tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chị N.T.Y (quê Thủy Nguyên, Hải Phòng) được một đối tượng giới thiệu về loại thuốc có thể chữa dứt điểm bệnh dạ dày. Vì tin đối tượng "cũng là người đi khám bệnh" như mình, nên chị đã đi theo ra cổng sau của bệnh viện để tìm mua thuốc.

Loại thuốc được đối tượng gọi là "Tam thất nam chữa trào ngược dạ dày" đựng trong túi bóng kính và buộc dây chun sơ sài, không có nhãn mác và hướng dẫn sử dụng. Mỗi gói bán với giá khoảng 1 triệu đồng.

Dù có chút băn khoăn nhưng chị Y. vẫn bỏ tiền ra mua với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương."

Quay trở lại phòng khám, chị Y. nhận ra rất nhiều người bị dẫn dắt mua thuốc giống chị. Nhận ra bản thân bị lừa nhưng không thể trả lại thuốc và lấy lại tiền do nhóm lừa đảo đã di chuyển đến nơi khác.

Cũng giống như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cũng phải phát đi cảnh báo về đối tượng lừa đảo, mạo danh bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc sau sinh.

Bệnh viện cho biết có một số đối tượng mạo danh nhân viên của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội gọi điện/đến nhà khách hàng thực hiện các dịch vụ sau sinh như: tắm bé, massage bé, xông hơi tại nhà...

Sau khi sinh mổ và trở về nhà, chị P.T.T.T (Quan Nhân, Hà Nội) nhận được vài cuộc điện thoại. Đối tượng tự xưng là nhân viên của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và giới thiệu về dịch vụ tắm và massage cho bé tại nhà. Vì trước đó đã đọc được thông tin cảnh báo tình trạng lừa đảo nên chị T.T. đã từ chối mọi lời mời chào.

Không nắm được thông tin như chị T.T, chị P.K.T (Đồng Hới, Quảng Bình) do tin tưởng đã mua thuốc của đối tượng tự xưng là bác sỹ của bệnh viện Phụ Sản Hà Nội với giá đắt cao hơn rất nhiều lần giá thị trường.

Bệnh viện lên tiếng

Theo đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, việc mạo danh, lấy thương hiệu "Bác sỹ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108" để trục lợi cá nhân, mua bán các thực phẩm chức năng, thuốc, sách… có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, tạo những tư tưởng sai sự thật, "lệch lạc" trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng; đồng thời, làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định Bệnh viện chỉ có một địa chỉ duy nhất tại số 1, đường Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Bệnh viện và cán bộ nhân viên bệnh viện không bán thực phẩm chức năng và không bán thuốc ngoài phạm vi bệnh viện," nhất là qua các trang mạng xã hội.

Bệnh viện khuyến cáo với người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo hơn để không để kẻ xấu lừa đảo, dẫn tới “tiền mất tật mang.”

Cổng Thông tin điện tử chính thức của Bệnh viện có địa chỉ: Website: www.benhvien108.vn và Fanpage “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” của bệnh viện là trang chính chủ, duy nhất, đã có dấu tích xanh xác nhận của Facebook (nằm bên phải tên của Fanpage), vì vậy bệnh nhân lưu ý dấu hiệu này khi thực hiện giao dịch trực tuyến.

Ngoài ra, nếu người bệnh, khách hàng có thắc mắc hoặc phản ánh liên quan đến mạo danh Bệnh viện, vui lòng liên hệ theo địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Điện thoại: 024.6278.4168 hoặc qua Fanpage: https://www.facebook.com/Benhvientwqd108.

Trong khi đó, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cũng khẳng định hiện tại, bệnh viện chưa cung cấp dịch vụ chăm sóc sau sinh tại nhà hay liên kết với bất kỳ bên thứ ba nào. Vì vậy, mọi cá nhân hay tổ chức lấy danh nghĩa Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội liên hệ với người dân hoặc đến nhà thực hiện dịch vụ đều là giả mạo.

Fanpage chính thức của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thông báo chiêu trò lừa đảo, mạo danh bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc sau sinh.

Bệnh viện cũng đưa ra khuyến cáo người dân không nên để các đối tượng mạo danh vào nhà; không sử dụng dịch vụ chăm sóc sau sinh, đơn điều trị, thuốc, thực phẩm... từ các đối tượng mạo danh này.

Cần tránh lộ thông tin cá nhân

Đại diện các bệnh viện cũng lên tiếng kêu gọi người dân cần cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân (tình hình bệnh, tuần thai, số điện thoại...) với các bên thứ ba như cộng đồng mạng xã hội, nhóm chăm sóc sức khỏe, phòng khám tư nhân, quầy tiếp thị sản phẩm khuyến mại...

Người dân có thể truy cập Website/Fanpage chính thức của bệnh viện hoặc đến trực tiếp bệnh viện và nhận tư vấn từ nhân viên y tế khi cần thông tin.

Ngoài ra, người dân trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghe trực tiếp tư vấn và chỉ định điều trị từ bác sỹ và nhân viên y tế của bệnh viện; nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng mạo danh lừa đảo gây thiệt hại không đáng có.

Bác sỹ quảng cáo thực phẩm chức năng là phạm luật

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm."

Bất kỳ bác sỹ, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo đến người tiêu dùng cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng.

Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên./.

(Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục