Chuyên gia về núi lửa Wendy Stovall thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cảnh báo sẽ có thể có thêm nhiều vụ nổ núi lửa hoặc sóng thần tại Bờ Tây nước Mỹ sau vụ phun trào núi lửa ở ngoài khơi Tonga hôm 15/1 vừa qua.
Phát biểu với giới truyền thông, bà Wendy Stovall cho biết vụ phun trào núi lửa nói trên là "thực sự khó tin" và hoạt động của sóng thần sẽ trở nên khó dự báo hơn sau cơn địa chấn này.
Bà cho biết: “Chắc hẳn đã có một lượng rất lớn magma lộ ra, có thể là từ một vụ lở đất dưới nước hoặc một hiện tượng nào khác, sau đó gặp nước biển và phát nổ rất dữ dội."
[Núi lửa Tonga tiếp tục phun trào, xuất hiện những cơn sóng lớn]
Theo bà Stovall, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu sẽ có thêm vụ phun trào nào xảy ra tiếp theo hay không và vụ phun trào ngày 15/1 vừa qua sẽ ảnh hưởng đến Trái Đất như thế nào.
Bà nêu rõ: "Chúng tôi sẽ theo dõi mọi diễn biến khi chúng xuất hiện, nhưng chắc chắn những loại núi lửa vẫn còn hoạt động như thế này sẽ có thể gây ra những đợt phun trào tiếp theo với quy mô lớn và có thể tạo ra nhiều sóng thần hơn, nhưng chúng cũng có thể dần trở lại trạng thái im lìm. Ở thời điểm này, chúng tôi chưa thể biết chắc. Có bằng chứng cho thấy núi lửa xảy ra thông qua các khối nước có thể phun trào ở cấp độ mạnh, không nhất thiết giống như những gì đã xảy ra ở Tonga, nhưng có thể tạo ra sóng áp suất lớn và kiểu phun trào tầng bình lưu tương tự."
Theo bà Stovall, những vụ phun trào mạnh mẽ của núi lửa đôi khi có thể "làm mát" toàn bộ Trái Đất trong khoảng thời gian nhiều năm.
Bà Stovall cũng lưu ý rằng núi lửa gần Tonga thường xuyên hoạt động. Một vụ phun trào nhỏ hơn đã bắt đầu tại đây vào ngày 20/12/2021, nhưng đã kết thúc trước khi xảy ra vụ phun trào dẫn tới sóng thần này.
Vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai ở đáy biển Thái Bình Dương (gần đảo chính của Tonga) hôm 15/1 đã phát ra tiếng nổ có thể nghe thấy ở những khu vực xa xôi.
Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ cho biết tiếng nổ từ vụ phun trào có thể nghe thấy ở vị trí cách đó gần 10.000km./.