Theo Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản năm 2020 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nếu mực nước biển dâng cao 100cm, nhiều khu vực có nguy cơ sẽ bị ngập nặng. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long ngập khoảng 47,29% diện tích.
Trong số các đia phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau, Kiên Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu là những tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất.
Cũng theo lịch bản trên, khi mực nước biển dâng cao 100cm, khoảng 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng; 1,53% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung; 17,15% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ đối diện nguy cơ bị ngập.
[Nguy cơ thiếu nước ở khu vực sông Hồng do lưu lượng xuống thấp kỷ lục]
Kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra dự báo đến năm 2050, mực nước biển dâng trung bình cho toàn khu vực Biển Đông là 24cm hoặc 28cm; năm 2100, mực nước biển dâng trung bình cho toàn khu vực là 56cm hoặc 77cm.
Đáng chú ý, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mực nước biển dâng trung bình ven biển Việt Nam có khả năng sẽ cao hơn mực nước biển trung bình toàn cầu.
Trong đó, mực nước biển dâng khu vực ven biển các tỉnh phía Nam cao hơn so với khu vực phía Bắc. Khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mực nước biển dâng cao hơn so với các khu vực khác.
Ngoài ra, Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản năm 2020 cũng đề cập nhiều nội dung quan trọng khác để các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng, cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới.
Cụ thể, theo kịch bản trên, nhiệt độ trung bình năm trong thời gian tới sẽ có xu thế tăng trên phạm vi cả nước trong các giai đoạn của thế kỷ 21, càng về cuối thế kỷ mức tăng nhiệt độ càng cao. Trong đó, khu vực phía Bắc luôn có mức tăng cao nhất, giảm dần về phía Nam, thấp nhất ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ và các trạm đảo.
Một số hiện tượng cực đoan như số ngày rét đậm, rét hại cũng có xu thế giảm ở Bắc Bộ; số ngày rét đậm có xu thế giảm với mức giảm phổ biến từ 5-20 ngày. Số ngày rét hại có xu thế biến đổi tương tự số ngày rét đậm, tuy nhiên mức giảm thấp hơn; ở khu vực núi cao Bắc Bộ có xu thế giảm nhiều hơn có thể tới 30 ngày.../.