Cảnh báo nhiều ca bệnh tử vong vì sử dụng thuốc lá điện tử

Qua thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Phổi Trung ương, từ năm 2005 đến nay đã có rất nhiều ca bệnh tử vong vì sử dụng thuốc lá điện tử do tổn thương nhu mô phổi, viêm phổi.
  Một sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. (Ảnh: BTC cung cấp)

Thạc sỹ Vũ Văn Thành - Bệnh viện Phổi Trung ương, Hội Phổi Việt Nam cảnh báo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tác động rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là giới trẻ.

Tại hội thảo chuyên đề cập nhật thông tin về tác hại của thuốc lá mới do Bộ Y tế tổ chức vào sáng 8/4, bác sỹ Thành thông tin qua thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Phổi Trung ương, từ năm 2005 đến nay, đã có rất nhiều ca bệnh tử vong vì sử dụng thuốc lá điện tử/thuốc lá thế hệ mới do tổn thương nhu mô phổi, viêm phổi. Đây là tổn thương cấp tính.

Cuộc đấu tranh dai dẳng

Bác sỹ Thành dẫn chứng thêm về các trường hợp nhập viện tại Bệnh viện Phổi Trung ương sau một thời gian sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Điển hình như một phụ nữ 47 tuổi bị viêm phổi tăng bạch cầu ái toan cấp tính, sau khi chuyển từ hút thuốc lá truyền thống sang sử dụng Thuốc lá nung nóng (HTPs), vì các triệu chứng hô hấp như ho, sốt nhẹ và các bất thường trên X-quang phổi xảy ra ngay sau khi chuyển đổi thói quen hút thuốc. Tình trạng bệnh nhân được cải thiện sau khi ngừng sử dụng HTPs và được điều trị bằng corticosteroid.

[Chia sẻ kinh nghiệm và định hướng kế hoạch tổ chức cai nghiện thuốc lá]

Một trường hợp thanh niên 16 tuổi viêm phổi tăng bạch cầu cấp tính mức độ nặng sau sử dụng thuốc lá nung nóng 2 tuần, với triệu chứng khó thở nặng dần. Bệnh nhân được chuyển đến khoa cấp cứu và được đặt nội khí quản, thở máy, chạy ECMO do suy hô hấp nặng. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi cấp tăng bạch cầu ái toan, hình ảnh xquang ngực và tăng bạch cầu ái toan trong đờm. Sau đó bệnh nhân được điều trị thêm methylprednisolone.

Thạc sỹ Vũ Văn Thành phân tích về những tác hại của thuốc lá thế hệ mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay việc phòng chống tác hại của thuốc lá hiện nay là cuộc đấu tranh dai dẳng, trường kỳ giữa lợi ích sức khỏe với các công ty đa quốc gia, công ty sản xuất thuốc lá.

Ông Quang nhấn mạnh tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, thị phần thuốc lá truyền thống suy giảm do có những quyết sách quyết liệt phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, gần đây lại xuất hiện thuốc lá thế hệ mới và như thế lại tiếp tục một cuộc vận động dai dẳng với các công ty sản xuất thuốc lá.

Mới đây, thông tin Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có văn bản xác nhận một sản phẩm thuốc lá làm nóng là sản phẩm giảm phơi nhiễm đã dẫn đến hiểu sai lệch, hiểu lầm.

“Nhiều người không hiểu bản chất phán quyết của FDA, làm thông tin sai lệch. Công ty cũng cố tình làm sai lệch phán quyết của FDA. Đây không phải là sản phẩm giảm hại, không phải sản phẩm an toàn hơn, không phải sản phẩm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không thể thay thế nghiện một cái này bằng nghiện một cách khác,” ông Quang phân tích.

Theo điều tra năm 2015, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới chỉ là 1,1%; ở nam giới là 45,3%. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2020 tại Hà Nội cho thấy ở nhóm học sinh lớp 8-12, tỷ lệ hút thuốc lá mới ở nữ lên đến 4,8% và ở nam là 12,4%.

Các chất độc có trong sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (Nguồn: WHO)

Vụ trưởng Vụ Pháp chế chỉ rõ: “Đây là nhưng con số biết nói. Thuốc lá thế hệ mới này dễ tiếp cận giới trẻ, dù chỉ mới là thuốc lá nhập lậu. Đây là mối nguy cho tương lai, cho sức khỏe của dân tộc, của giống nòi bị ảnh hưởng của thuốc lá thế hệ mới.”

Chất độc giống như thuốc lá truyền thống

Thạc sỹ Vũ Văn Thành dẫn chứng tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày một tăng, nhất là trong học sinh cấp 2, học sinh trung học phổ thông. Thống kê cho thấy trong năm 2019, có tới 2,6% học sinh từ 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử. Với tâm lý tuổi mới lớn, nhiều em đã sử dụng thuốc lá điện tử để thể hiện bản thân mà không nhận thức được thuốc lá điện tử có hại như thế nào.

Bác sỹ Thành phân tích về bản chất, thuốc lá điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch có chứa nicotine và các chất hóa học khác, đựng trong ống, bình bắt mắt dùng một lần hoặc có thể tái nạp, tạo ra khói để người sử dụng hít vào. Còn thuốc lá nung nóng là sự kết hợp thiết bị và sản phẩm thuốc lá chuyên dùng làm sản sinh ra khí chứa nicotine và các hóa chất khác. Các thành phần có trong thuốc lá điện tử/thuốc lá thế hệ mới ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút. Chẳng hạn như nicotine sử dụng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đặc biệt là sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.

Trong khi đó, propylene glycol có thể tạo thành propyleneoxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng. Glycerin/glycerol gốc thực vật: khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, có thể gây kích ứng đường hô hấp trên. Kim loại như chì, bạc (cadmium, chromium), thủy ngân (nickel) có thể gây ung thư.

“Khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng lâu dài, người nghiện sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh phổi, tổn thương phổi, mắc ung thư...,” bác sỹ Thành cảnh báo.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm nói về các chất độc hại trong thuốc lá thế hệ mới:

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) nhấn mạnh các nhóm sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử có nicotine (Electronic nicotine delivery systems -ENDS); Thuốc lá nung nóng (Heated tobacco products-HTP); Nhóm sản phẩm hỗn hợp (hybrid): có cả sợi thuốc lá và dung dịch nicotine.

Theo bác sỹ Lâm, dù các sản phẩm thuốc nung được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá. Dù các hóa chất này ở nồng độ thấp hơn, nhưng chúng không làm giảm nguy cơ. Một số hóa chất này được sếp nhóm gây ung thư.

Vị chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Do đó, WHO khuyến cáo nên duy trì các quy định luật pháp hiện tại để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ.

Đại diện WHO tại Việt Nam cũng nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần tăng cường thực thi quy định chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục