Cảnh báo nguy cơ vũ trang cho phe đối lập Syria

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle ngày 7/3 đã cảnh báo việc cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập tại Syria có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực. Trả lời phỏng vấn của tờ Tấm gương, Ngoại trưởng Đức Westerwelle nhận định tình hình tại Syria đang rất "báo động" và việc các nước cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập tại Syria luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang, đồng thời có thể đẩy khu vực Trung Đông tới tình trạng xung đột trên diện rộng.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle ngày 7/3 đã cảnh báo việc cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập tại Syria có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực.

Trả lời phỏng vấn của tờ Tấm gương, Ngoại trưởng Đức Westerwelle nhận định tình hình tại Syria đang rất "báo động" và việc các nước cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập tại Syria luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang, đồng thời có thể đẩy khu vực Trung Đông tới tình trạng xung đột trên diện rộng.

Ngoại trưởng Đức cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Berlin sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) của phe đối lập ở Syria, song cũng nhấn mạnh chỉ cung cấp các trang thiết bị có tính "phòng vệ" cho lực lượng này. Ngoài ra, EU và Đức cũng sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng cho Syria.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các tay súng phiến quân hiện giam giữ 21 binh sỹ người Philippines thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cao nguyên Golan sẽ trả tự do cho những binh sỹ này với điều kiện lực lượng Chính phủ Syria phải rút khỏi khu vực. Những binh sỹ này bị phiến quân ở Syria bắt cóc sáng 6/3.

Giám đốc SOHR Rami Abdelrahman dẫn lời người phát ngôn của nhóm phiến quân mang tên "Những người tử đạo vì Yarmouk," cho biết những binh sỹ Liên hợp quốc hiện bị giam giữ tại làng Jamla, cách ranh giới ngừng bắn giữa Syria và Israel trên Cao nguyên Golan khoảng 1,6 km. Các tay súng phiến quân tuyên bố sẽ không làm hại các binh sỹ Liên hợp quốc với điều kiện quân đội Chính phủ Syria và các xe tăng phải rút khỏi khu vực.

Vụ bắt cóc các binh sỹ gìn giữ hòa bình thuộc Phái bộ giám sát ngừng bắn giữa Israel và Syria (UNDOF), trong đó phần lớn là các binh sỹ người Philippines, được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc xung đột kéo dài hơn 20 tháng qua tại Syria đã bắt đầu lan tới các nước lân cận.

Trước vụ việc nghiêm trọng trên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 6/3 đã có phiên họp khẩn cấp để thảo luận về các phương án giải cứu những binh sỹ bị bắt cóc. Liên hợp quốc đã thành lập một lực lượng ứng phó để xem xét giải quyết vụ việc này, đồng thời kêu gọi các bên hợp tác tích cực với UNDOF nhằm giúp phái bộ này có thể hoạt động hiệu quả và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các thành viên trong phái bộ.

Cao nguyên Golan bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến tranh năm 1967. Theo một thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ năm 1974, Syria không đưa quân đội tới khu vực này. Về mặt lý thuyết, Ixraen và Syria hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh, do đó Cao nguyên Gôlan được đặt dưới sự giám sát của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong UNDOF./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục