Cảnh báo nguy cơ bão tuyết tiếp tục tại các nước châu Âu

Số nạn nhân tử vong do đợt không khí lạnh từ vùng Siberia "càn quét" châu Âu tiếp tục tăng trong khi các cơ quan khí tượng cảnh báo "Lục địa Già" sẽ phải hứng chịu một đợt bão tuyết mới trong ngày 1/3
Tuyết phủ trắng xóa tại Dublin, Ireland. (Nguồn: THX/TTXVN)

Số nạn nhân tử vong do đợt không khí lạnh từ vùng Siberia của Nga "càn quét" châu Âu kể từ ngày 23/2 đến nay tiếp tục tăng trong khi các cơ quan khí tượng cảnh báo "Lục địa Già" sẽ phải hứng chịu một đợt bão tuyết mới trong ngày 1/3.

Theo các số liệu mới cập nhật, tổng số người thiệt mạng vì đợt không khí lạnh trên đã lên tới 48 trường hợp, trong đó tám người thiệt mạng tại Hà Lan, sáu người tại Cộng hòa Séc, năm trường hợp ở Litva, Pháp và Slovakia mỗi nước ghi nhận bốn trường hợp.

Đợt không khí lạnh kèm giá buốt tràn từ Siberia - được nước Anh ví là ""Quái vật từ phương Đông," Hà Lan gọi là "Gấu Siberia" và Thụy Điển đặt tên là "Vòi rồng tuyết" - đã khiến tuyết rơi trắng xóa một vùng rộng lớn và gây hỗn loạn giao thông tại châu Âu.

[Bão tuyết tồi tệ nhất xảy ra tại Ireland trong gần 4 thập kỷ]

Ở Scotland, sân bay Glasgow tiếp tục đóng cửa trong sáng 1/3 và hầu hết các chuyến bay từ Edinburgh đều bị hủy. Các cơ quan cứu hộ vẫn đang nỗ lực "giải cứu" hàng loạt xe mắc kẹt nhiều giờ trong tuyết từ cuối ngày 28/2.

Tại Italy, công ty đường sắt Trenitalia cho biết chỉ có thể đảm bảo vận hành khoảng 80% số chuyến tàu cao tốc và khoảng 70% chuyến tàu liên vùng. Nhiều hành khách mệt mỏi vì tình trạng hoãn chuyến, hủy chuyến, thậm chí một số người còn kẹt lại trên tàu tới 9 giờ đồng hồ.

Giám đốc điều hành Công ty đường sắt quốc gia Italy (FS) Renato Mazzoncini đã gửi lời xin lỗi các khách hàng, cam kết không để tái diễn tình trạng trên, đồng thời khẳng định FS sẽ đầu tư 100 triệu euro (hơn 122 triệu USD) cho công nghệ phá băng nhằm đảm bảo mạng lưới đường sắt vẫn tiếp tục vận hành tốt trong điều kiện thời tiết cực đoan.

Tương tự, tại Đức, Anh, Pháp, Phần Lan... cuộc sống cũng đảo lộn vì giá rét và tuyết rơi dày. Nhiều trường học vẫn tiếp tục phải đóng cửa trong bối cảnh hiện tượng thời tiết cực đoan được dự báo còn tiếp diễn tại nhiều quốc gia vào cuối tuần này, trong đó có Anh và Italy.

Đợt lạnh khắc nghiệt nói trên "càn quét châu Âu" tại thời điểm nền nhiệt độ ở Bắc Cực tăng cao kỷ lục, trái với quy luật tự nhiên. Giới khoa học đang đặt ra câu hỏi liệu tình trạng Trái Đất ấm lên có phải là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục