Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh về mạch máu, tim mạch đang ngày càng gia tăng, trong đó có cả bệnh nhân hậu COVID-19. Đặc biệt, những bệnh nhân lóc động mạch chủ type A cấp tính - bệnh lý tim mạch rất nặng, người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào nên đòi hỏi phải được chẩn đoán và phẫu thuật cấp cứu kịp thời.
Phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), Chủ tịch Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho biết nhiều bệnh nhân bị lóc động mạch chủ type A vào viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, khó thở, chụp phim cho thấy bệnh nhân bị lóc toàn bộ động mạch chủ cấp gây thiếu máu ruột.
[Cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tim mạch đối với người không tiêm vaccine]
Trình bày tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ nhất Hội Bệnh mạch máu Việt Nam vừa diễn ra, Phó giáo sư Ước cho hay lóc động mạch chủ type A có xu hướng gặp ngày càng nhiều ở Việt Nam do gia tăng bệnh lý tim mạch liên quan đến cao huyết áp và tuổi thọ. Đây là biến cố rất nặng và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu của các bệnh lý tim mạch, mặc dù gần đây đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, phẫu thuật, gây mê và điều trị hồi sức.
Thời gian qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện phẫu thuật cấp cứu thường quy điều trị lóc động mạch chủ loại A với tỷ lệ thành công tới hơn 90% trong những năm gần đây, tương đương với nhiều nước phát triển trên thế giới. Năm 2020, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực đã điều trị 71 ca lóc động mạch chủ loại A, năm 2021 điều trị hơn 60 trường hợp.
Theo Phó giáo sư Ước các yếu tố nguy cơ chính thường gặp gây lóc tách thành động mạch chủ như tăng huyết áp kèm xơ vữa động mạch (gặp ở người có tuổi) hay rối loạn bẩm sinh tổ chức cấu tạo nên thành mạch. Ngoài ra bệnh dễ xảy ra khi thay đổi thời tiết nóng sang lạnh, cảm xúc mạnh… Bệnh có xu hướng trẻ hóa, gặp ở những người trung tuổi.
Hiện nay phương pháp điều trị chính của lóc động mạch chủ type A cấp tính là phẫu thuật, đây là loại phẫu thuật rất phức tạp, kéo dài vì phải xử lý nhiều thương tổn phối hợp phức tạp.Tỷ lệ tử vong, các loại tai biến của phẫu thuật thuộc loại cao nhất trong phẫu thuật tim, thời gian nằm viện kéo dài và thời gian hồi phục lâu, chi phí điều trị rất lớn.
Ước tính, tỷ lệ mắc bệnh lý mạch máu rất phổ biến và đang gia tăng, riêng về bệnh lý liên quan đến động mạch, bình quân tỉ lệ gia tăng 10%/năm. Căn bệnh này gây ra xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong.
Các bác sỹ khuyến cáo người dân việc dự phòng và ngăn ngừa bệnh lý của động mạch chủ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đặc biệt cần phát hiện, kiểm soát và điều trị bệnh tăng huyết áp - nguy cơ tiềm ẩn của nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm. Khi đã chẩn đoán lóc động mạch chủ type A cấp tính, người bệnh cần được chuyển ngay đến các bệnh viện có khả năng phẫu thuật, tránh phải trải qua nhiều tuyến trung gian, giảm thiểu các biến chứng, giảm nguy cơ tử vong.
Theo các chuyên gia, nếu như trước đây, chuyên ngành bệnh mạch máu nằm rải rác trong các chuyên ngành chung như: Nội tim mạch, phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, chẩn đoán hình ảnh và sinh hoạt chung trong các hội chuyên ngành tương ứng thì khoảng 20 năm gần đây, trên thế giới đã dần hình thành các Hội Mạch máu để các thầy thuốc chuyên ngành mạch máu chia sẻ và học hỏi lẫn nhau những kiến thức, kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị các bệnh mạch máu.
Ở Việt Nam, tuy phát triển muộn hơn với một vài đặc điểm riêng, song chuyên ngành bệnh mạch máu cũng không thể đi chệch khỏi "đường ray" phát triển chung trên thế giới. Hội Bệnh mạch máu Việt Nam mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật các kiến thức mới thông qua các bài báo cáo khoa học, các buổi thảo luận, chương trình đào tạo liên tục... để liên kết các hội viên từ các cơ sở y tế trên toàn quốc trong thực hành chẩn đoán và điều trị bệnh mạch máu về nội khoa, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, can thiệp, y học cổ truyền.../.