Cảnh báo miếng dán chống say tàu xe có thể gây loạn thần ở trẻ

Một bé gái nhập viện với triệu chứng la hét, kích động, có nhiều hành động bất thường, bò lồm cồm khắp nơi... sau khi sử dụng miếng dán chống say tàu xe.
Cảnh báo miếng dán chống say tàu xe có thể gây loạn thần ở trẻ ảnh 1Triệu chứng bệnh phản ứng với miếng dán say xe khá giống viêm não nên bác sỹ có thể chẩn đoán nhầm và thực hiện nhiều xét nghiệm không cần thiết.  (Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: TTXVN)

 “Miếng dán chống say tàu xe tưởng là đơn giản nhưng nếu sử dụng cho trẻ em có thể dẫn đến loạn thần." Đây là cảnh báo của bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh khi trao đổi với báo chí, ngày 9/8.

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, cách đây 2 tuần, Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viên Nhi đồng 1 tiếp nhận điều trị cho một bé gái 9 tuổi (ngụ huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) với các triệu chứng la hét, kích động, có nhiều hành động bất thường, bò lồm cồm khắp nhà.

Mới đầu, các bác sỹ nghi ngờ bệnh nhi bị viêm não. Tuy nhiên, khai thác thông tin từ gia đình, mẹ của bé cho biết do có kết quả học tập loại giỏi nên gia đình đã thưởng cho bé một chuyến đi chơi ở trung tâm thành phố. Sợ con bị say xe, người mẹ đã mua miếng dán chống say xe dán vào sau tai của bé. Sau đó bé bắt đầu có triệu chứng lạ như trên.

Các bác sỹ kết luận bệnh nhi bị loạn thần do dị ứng với chất scopolamine có trong miếng dán chống say tàu xe.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự.

Vào mùa Hè, trẻ em thường được gia đình cho đi chơi xa và sử dụng miếng dán chống say tàu xe nhiều hơn. Loạn thần do dùng miếng dán chống say tàu xe thường gặp ở trẻ 5 đến 10 tuổi.

[Nhiều nguy cơ với cộng đồng khi "lười" tiêm vắcxin cho trẻ nhỏ]

 

Bác sỹ Trương Hữu Khanh cho biết thêm, thông thường, triệu chứng loạn thần chỉ kéo dài trong khoảng 72 giờ nhưng cần theo dõi chặt chẽ xem có bị hạ đường huyết hay không. Tùy vào cơ địa của từng trẻ, triệu chứng có thể là ngủ li bì hoặc bị ảo giác như nhìn thấy quái vật, nhìn thấy không gian xung quanh biến đổi bất thường.

Trẻ có thể la hét, kích động dữ dội, có nhiều hành động bất thường khá giống với triệu chứng của viêm não nên nhiều bác sỹ có thể chẩn đoán nhầm và thực hiện nhiều xét nghiệm không cần thiết.

Mặc dù Tổ chức Dược Thế giới chống chỉ định dùng miếng dán chống say tàu xe có chứa hoạt chất scopolamine cho trẻ em dưới 12 tuổi, tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều người dân vẫn quen mua dùng cho cả gia đình vì nghĩ là vô hại.

Không những trẻ em mà miếng dán chống say tàu xe còn có tác dụng không mong muốn đối với người lớn. Có đến hơn 10% người sử dụng là người lớn có biểu hiện như hoa mắt, nôn nao sau khi dùng miếng dán chống say tàu xe.

Từ thực tế trên, bác sỹ Trương Hữu Khanh khuyến cáo trẻ em dưới 12 tuổi không nên dùng miếng dán này mà có thể áp dụng một số cách chống say xe như: trước khi đi xe không nên để trẻ ăn quá no hoặc để bụng quá đói. Khi ngồi xe nên ưu tiên để trẻ ngồi các hàng ghế trước, tránh gió lùa, khuyến khích trẻ nhìn ra xung quanh chứ không tên tập trung vào một điểm.

Ngoài ra, phụ huynh có thể áp dụng kinh nghiệm dân gian như cho trẻ ngậm hoặc xoa gừng tươi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục