Cảnh báo mạo danh ngân hàng dọa người dùng đóng phí quảng cáo TikTok

Chuyên gia bảo mật đã lên tiếng cảnh báo người dùng những đoạn tin nhắn (SMS) mạo danh ngân hàng thông báo về việc đóng phí quảng cáo trên Tiktok.
Cảnh báo mạo danh ngân hàng dọa người dùng đóng phí quảng cáo TikTok ảnh 1Nhiều người dùng nhận được tin nhắn lừa đảo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thời gian gần đây, nhiều người dùng chia sẻ màn hình những đoạn tin nhắn (SMS) mạo danh một số ngân hàng như SHB, MSB,... thông báo về việc đóng phí quảng cáo trên TikTok.

Nội dung tin nhắn như sau: "Tai khoan cua ban da dang ky chuong trinh quang cao tren TikTok, moi thang thu phi 3,600,000 VND,..."

Đáng chú ý, có người dùng còn chia sẻ đoạn tin nhắn trên lọt vào đoạn hội thoại chung với ngân hàng khi thông báo tin nhắn mã OTP.

Nhiều người dùng đang tỏ ra lo lắng bởi họ thường xuyên thanh toán hóa đơn điện nước, điện thoại, Internet... thông qua tài khoản ngân hàng hay tài khoản ví điện tử.

Anh Tùng (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết khi nhận được tin nhắn như vậy đã xóa đi ngay vì biết là lừa đảo. Tuy nhiên, mẹ anh Tùng cũng nhận được tin nhắn có nội dung tương tự và tỏ ra lo lắng vì nghĩ mình bị trừ tiền oan.

[Cảnh báo lừa đảo 'khoá thuê bao' qua tin nhắn có thể tái xuất]

Theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, đây là phương thức lừa đảo lấy thông tin (phishing) bằng tin nhắn thương hiệu SMS Brand name qua công cụ thiết bị hỗ trợ.

Kẻ gian có thể đã dùng trạm thu phát sóng di động (trạm BTS) làm giả trạm thu phát sóng di động của các nhà mạng, giả mạo đầu số tin nhắn của cơ quan, tổ chức. Anh Hiếu cũng cho biết khi người dùng nhận được tin nhắn thì chắc chắn kẻ lừa đảo đang ở gần đó khoảng 1-2km.

Chuyên gia bảo mật này khuyến cáo người dùng nên bình tĩnh. "Một nguyên tắc cơ bản là người dùng không click vào bất kỳ đường link lạ hay vội chuyển tiền ngay, nên chậm lại để kiểm chứng để tránh bị mất tiền oan!"

Anh Hiếu cũng chia sẻ việc mình đã từng nhận được những tin nhắn có nội dung tương tự và đã cho những link lừa đảo như vậy "bay màu."

Cảnh báo mạo danh ngân hàng dọa người dùng đóng phí quảng cáo TikTok ảnh 2Một đường link lừa đảo được chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu xử lý. (Ảnh chụp màn hình)

Chiêu lừa đảo này từng xuất hiện vào cuối năm 2022, nhiều chuyên gia an ninh mạng cũng đã lên tiếng cảnh báo việc lừa đảo lấy thông tin qua những đường link lạ được gửi qua tin nhắn.

Hình thức lừa đảo giả mạo thương hiệu (SMS Brandname) cũng không phải là mới bởi đã xuất hiện từ cuối năm 2020. Trước đây, thủ đoạn lừa đảo mạo danh ngân hàng nhắn tin đã từng xảy ra và có nạn nhân đã mất tiền./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục