Sau nhiều tháng tán tỉnh trên mạng, một nhân vật tự nhận là nhà buôn rượu đã lừa đảo chiếm đoạt của Shreya Datta, 37 tuổi, ở Philadenphia (Mỹ) 450.000 USD đầu tư cho tiền điện tử.
Đáng chú ý, những kiểu lừa đảo này đang nở rộ tại Mỹ.
Không chỉ bị chiếm đoạt tài sản, mất sạch tiền tiết kiệm và tiền trong quỹ hưu trí, chuyên viên công nghệ Shreya Datta giờ đây còn ngập trong nợ nần.
Cô cho biết đối tượng đã sử dụng các video và hình ảnh giả mạo khuôn mặt (deepfake) và các đoạn tin nhắn tinh vi để "tẩy não" nạn nhân.
Các vụ lừa đảo kiểu này đang nở rộ tại Mỹ, được cho là do những băng nhóm tội phạm mạng ở Đông Nam Á thực hiện. Ước tính, các nạn nhân tại Mỹ đã mất hàng tỷ USD với rất ít hy vọng có thể lấy lại tiền.
Datta gặp đối tượng trên ứng dụng hẹn hò Hinge, tự nhận là một nhà buôn rượu người Pháp. Hai bên nhanh chóng làm quen và gọi video, gửi hình ảnh cho nhau nhưng khi vụ việc vỡ lở, Datta mới phát hiện đó đều là sản phẩm của công nghệ deepfake có sự trợ giúp của AI.
Đối tượng thường xuyên tỏ ra quan tâm, chăm sóc và thể hiện ủng hộ Datta, trong đó lồng ghép các thông tin để reo rắc trong tâm trí nạn nhân về giấc mơ nghỉ hưu sớm, kế hoạch đầu tư để sống trong sung túc kể cả khi nghỉ hưu trước 65 tuổi.
Sau đó, đối tượng gửi cho nạn nhân đường link (dẫn) tải về ứng dụng giao dịch tiền điện tử, có những bước xác minh khiến nạn nhân tin vào tính xác thực của ứng dụng.
Theo lời xúi giục của đối tượng, Datta chuyển đổi một số khoản tiền tiết kiệm sang khoản đầu tư tiền điện tử trên sàn giao dịch Coinbase có trụ sở ở Mỹ và 1 ứng dụng giả ban đầu cho phép cô rút những khoản tiền lãi từ khoản đầu tư này. Chính vì vậy, nạn nhân càng tin tưởng và đầu tư nhiều hơn.
Tính đến tháng 3/2023, khoản đầu tư trị giá gần 450.000 USD của Datta được báo cáo sinh lời gấp đôi. Tuy nhiên, khi cô tìm cách rút khoản tiền này thì được yêu cầu phải có mã số thuế cá nhân.
Cô nhờ người quen ở London xác minh thông tin của người yêu trên mạng mới biết tất cả đều là giả mạo, đối tượng sử dụng hình ảnh của một chuyên gia thể hình nổi tiếng ở Đức để tạo ra các hình ảnh và video gửi cho cô.
Sau khi phát hiện bị lừa sạch khoản tiền tích lũy, Datta đã rơi vào trạng thái rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PSTD), mất ngủ, chán ăn và không thể hoạt động như bình thường. Với Datta, đó là trải nghiệm chấn động.
Các trang mạng hẹn hò vốn là nơi có rất nhiều cạm bẫy, giờ đây trở nên nguy hiểm hơn với sự trợ giúp của công nghệ deepfake sử dụng AI.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết năm 2023, Trung tâm tiếp nhận khiếu nại về tội phạm mạng đã tiếp nhận hơn 40.000 báo cáo với tổng khoản tiền bị lừa hơn trị giá 3,5 tỷ USD đầu tư tiền điện tử, trong đó có thủ đoạn như vụ việc của Datta.
Dù vậy. giới chức lo ngại con số trên có thể thấp hơn nhiều so với thực tế do nhiều nạn nhân còn e ngại, không báo cáo các vụ việc. Ngoài thiệt hại về tài sản, các nạn nhân còn gặp các vấn đề về tâm lý sau cú sốc bị lừa mất sạch tiền của và mắc nợ./.
Một nhân viên tài chính bị lừa hơn 25 triệu USD vì công nghệ deepfake
Cảnh sát Hong Kong cho biết nạn nhân bị lừa tham gia một cuộc gọi video với những người mà anh nghĩ là một số thành viên khác trong công ty, song tất cả chỉ là sản phẩm của công nghệ deepfake.