Ủy viên cấp cao của Liên minh châu Phi (AU) về hòa bình và an ninh Smail Chergui ngày 11/2 kêu gọi các nước thành viên AU giải quyết nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan, đồng thời cảnh báo chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng tại vùng Sahel của châu Phi.
Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 32 ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, ông Chergui nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố đang mở rộng, đặc biệt số vụ tấn công nhằm vào dân thường và các cơ quan gia tăng tại những nước ở khu vực rìa phía Nam vùng Sahara.
Ông Chergui cho biết thêm các vụ tấn công khủng bố cùng với xung đột sắc tộc và đụng độ giữa một số cộng đồng đang dẫn đến “mức độ bạo lực cao nhất từ trước tới nay.”
Hiện Burkina Faso gần như mỗi ngày phải đối mặt với các vụ tấn công do tội phạm và khủng bố tiến hành.
Theo ông Chergui, các nước thành viên AU cần nhất trí giải quyết nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan một cách toàn diện hơn.
[Ngăn chủ nghĩa khủng bố mở rộng đến các nước ven biển Tây Phi]
Quan chức này nêu rõ điều này không chỉ thông qua các biện pháp an ninh và quân sự, mà cả những biện pháp khác liên quan đến quản lý nhà nước nhằm đảm bảo phát triển đồng đều, công bằng và sự tham gia vào hệ thống chính trị.
Trước đó ngày 10/2, phát biểu khi tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên AU, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cũng kêu gọi giải quyết nguyên nhân gốc rễ chủ nghĩa cực đoan.
Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan gia tăng nhanh tại vùng Sahel sau khi bất ổn xảy ra tại Libya do cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Những vụ tấn công do các phần tử thánh chiến nổ ra ở miền Bắc Mali trong khi phiến quân Boko Haram nổi dậy từ miền Bắc Nigeria.
Quân đội Pháp đã đánh đuổi phiến quân khỏi Mali, tuy nhiên lực lượng thánh chiến đã lan sang các nước láng giềng Burkina Faso và Niger.
Năm 2017, 5 quốc gia khu vực Sahel (G5 Sahel), bao gồm Mali, Cộng hòa Chad, Mauritania, Niger và Burkina Faso, đã thành lập lực lượng chống khủng bố chung, với 5.000 binh sỹ và được sự hậu thuẫn của Pháp.
Tuy nhiên, ông Chergui cho rằng việc thiếu nguồn tài chính, thiết bị và huấn luyện gây khó khăn cho việc triển khai sáng kiến G5 Sahel./.