Liên tiếp những vụ cháy mới đây ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 10 người tử vong.
Đây tiếp tục là lời cảnh báo về tình trạng mất an toàn phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư.
Cũng từ các sự việc đau lòng này, vấn đề nhức nhối đặt ra là, làm thế nào hạn chế “bà hỏa” ghé thăm và hạn chế tối đa mức thiệt hại khi xảy ra cháy ở nhà dân?
Ngày 30/3, vụ cháy xảy ra tại phường Cát Lái (Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) làm 6 người thiệt mạng.
Ngày 4/4, vụ cháy tại phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) khiến 4 người chết.
Có điểm tương đồng đáng quan ngại trong các vụ cháy nhà dân khiến nhiều người tử vong này là những ngôi nhà không quá lớn và đều bị bịt kín bằng những lồng sắt, lưới sắt, mái tôn hàn sắt, cửa chính cũng là lối ra vào duy nhất.
[Vụ cháy làm chết 4 người: Ngõ càng nhỏ, nhà càng cần lối thoát hiểm]
Trong vụ cháy tại phường Cát Lái (Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), ngôi nhà tứ phía bị bịt kín, cửa chính là lối ra vào duy nhất nhưng lại bị 5 chiếc xe máy chắn ngang.
Khi xảy ra hỏa hoạn, chính 5 chiếc xe máy này bắt lửa, cản lối thoát của các nạn nhân, dẫn tới 6 người trong gia đình thiệt mạng.
Người duy nhất sống sót do nằm ngủ phía bên ngoài, cũng bị bỏng nặng trong lúc tìm cách cứu người thân.
Tại phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội), vụ cháy xảy ra tại ngôi nhà không đủ điều kiện để kinh doanh, tầng tum bị quây kín với mái lợp tôn hàn sắt, chỉ có một cửa ra vào là cửa chính, bên trong có nhiều hàng hóa dễ cháy.
Trong khi đó, hệ thống điện chiếu sáng, ổ điện giăng mắc khắp nơi, hàng hóa bịt cả lối đi. Vì vậy, khi lực lượng chức năng dập được ngọn lửa hung dữ thì 4 người trong gia đình nạn nhân đã tử vong...
Từ hai vụ cháy nhà dân gây hậu quả đau lòng trên, thực tế ghi nhận được tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước cho thấy những vấn đề đáng ngại.
Tốc độ đô thị hóa mạnh khiến nhiều người chỉ quan tâm về an toàn cháy nổ, thoát hiểm, cứu hộ cứu nạn công trình cao tầng, nhà chung cư.
Vấn đề đảm bảo an toàn về cháy nổ, thoát hiểm cho những công trình nhà riêng ở mặt đất, nhất là những nhà trong ngõ, dường như chưa tương xứng với các tòa cao ốc.
Hiện nay, phần lớn những hộ kết hợp nhà ở với kinh doanh, buôn bán đều có một ban thờ gọi là “ban thần tài.” Ban này luôn ở vị trí sát cửa ra vào, thậm chí sát nơi bày hàng hóa, khiến ẩn họa từ lửa rất cao. Thực tế thời gian qua cho thấy, đã không ít vụ cháy chợ, nhà ở, kho xưởng xuất phát từ sự bất cẩn của gia chủ khi thắp hương "ban thần tài"...
Đáng lo ngại nữa, do tính chất dân cư đông đúc tại các đô thị, hơn nữa đất đô thị đắt đỏ, chi phí xây dựng tốn kém nên nhiều hộ chỉ tập trung cho việc đảm bảo an toàn phòng, chống trộm đột nhập mà chưa nghĩ đến làm cách nào để thoát nạn khi có hỏa hoạn. Tại nhiều ngôi nhà cửa chính cũng đồng thời là lối thoát nạn.
Theo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), với đặc thù đô thị hóa toàn diện, hiện nay toàn thành phố có khoảng 70% nhà ở thuộc dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra vào.
Thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cũng cho thấy những diễn biến phức tạp.
Trong quý 1/2021, đã có 627 vụ cháy nhà dân trên toàn quốc, chiếm 36,34% tổng số vụ cháy. Các vụ cháy xảy ra tại khu vực dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh với đặc điểm chủ yếu của các công trình là dạng nhà ống liên kế có thể kết hợp vừa để ở, vừa sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.
Hầu hết tại các vụ cháy này sự thiệt hại về tài sản không lớn nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng về người, điển hình như vụ cháy nhà dân ngày 30/3/2021 tại số nhà 899 Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) làm chết 6 người và 1 người bị thương; vụ cháy ngày 25/3/2021 tại hẻm 45 đường Cao Lỗ, Phường 4, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, làm chết 3 người.
Trước những ẩn họa từ lửa rình rập các khu dân cư, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, chuyên gia về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của Công an thành phố Hà Nội, phân tích từ khi xuất hiện đám cháy cho đến khi bùng phát hỏa hoạn lớn chỉ tính bằng phút, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh hàng hóa dễ cháy. Trong khi đó, khoảng cách giữa nơi xảy ra cháy và nơi lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy xuất xe gần nhất cũng phải mất ít nhất 10 phút mới tới nơi nếu không bị tắc đường.
“Phát hiện sớm và xử lý hiệu quả các vụ cháy thì trước hết phải từ ý thức phòng cháy, chữa cháy của mỗi người dân,” Đại tá Nguyễn Trường Sơn cảnh báo.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), nhấn mạnh các hộ dân đang ở trong những ngôi nhà có dạng “không lối thoát” như trong hai vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nêu trên phải rút ra bài học cảnh tỉnh. Mỗi căn nhà phải có ít nhất hai lối thoát nạn. Các hộ gia đình phải lưu ý, sắp xếp hàng hóa đồ đạc thế nào để không ảnh hưởng đến lối đi, lối thoát nạn của căn hộ. Người dân cũng cần phải giả định các tình huống cháy nổ trong gia đình để khi xảy ra cháy thì chủ động trong các tình huống. Ví dụ như với các nhà có tầng cao thì có phương án thoát ra bên ngoài từ ban công và từ đó, lực lượng chức năng có thể tiếp cận cứu sống được.
“Những nhà đã làm chuồng cọp thì ngay lúc này đây, cần phải có cửa phụ tại chuồng cọp đó,” Đại tá Nguyễn Minh Khương nhấn mạnh.
Nước xa không cứu được lửa gần! Sự cẩn trọng đối với công tác phòng cháy ở mỗi gia đình không bao giờ là thừa. Bởi hỏa hoạn luôn tiềm ẩn và phần lớn đều do chính con người gây nên. Ngăn nắp và tuân thủ an toàn phòng cháy, chữa cháy là cách tự cứu mình và đảm bảo an toàn cho cả những người xung quanh./.