Cảnh báo gia tăng các vụ tấn công mạng liên quan chủ đề COVID-19

Các vụ tấn công dạng lừa đảo (phishing) email, nặc danh là các cơ quan y tế, mời mua các sản phẩm giả mạo hoặc những lời kêu gọi từ thiện ảo đang gia tăng.
Cảnh báo gia tăng các vụ tấn công mạng liên quan chủ đề COVID-19 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo thời gian gần đây, các vụ tấn công mạnh liên quan tới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng mạnh.

Cụ thể, các vụ tấn công dạng lừa đảo (phishing) email, nặc danh là các cơ quan y tế, mời mua các sản phẩm giả mạo hoặc những lời kêu gọi từ thiện ảo đang gia tăng.

[Tin tặc tấn công các bệnh viện tại châu Âu để đòi tiền chuộc]

Theo báo cáo do Nhóm tư vấn Interisle nộp cho Cơ quan đăng ký mạng Internet toàn cầu ICANN, trong một tháng qua, ít nhất 100.000 tên miền mới được đăng ký có các từ khóa liên quan đến covid, corona, và virus, trong đó có nhiều trang được cho là độc hại.

Atlas VPN, đơn vị cung cấp các dịch vụ an toàn kết nối, cho biết số trang mạng dùng để lừa đảo đánh cắp các chứng chỉ cá nhân tăng 350%  từ tháng 1/2020, lên hơn 500.000 trang.

Một số nhà phân tích lo ngại thực trạng này có thể dẫn tới một số lượng chưa từng có các vụ tấn công đánh cắp thông tin định danh và tấn công bằng mã độc để lấy tiền từ những tổ chức có hệ thống an ninh mạng kém.

Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), chỉ trong vài tuần qua, người tiêu dùng Mỹ đã mất khoảng 5 triệu USD, liên quan tới các hình thức lừa đảo thời dịch bệnh.

FTC cảnh báo nguy cơ lừa đảo có thế tiếp tục tăng, đặc biệt khi Quốc hội Mỹ chuẩn bị thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD trong tuần này.

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu nên những kẻ tấn công mạng có thể lợi dụng lúc mọi người rất nhạy cảm với thông tin dịch bệnh để lừa đảo người dùng mạng bấm vào những mail hoặc đường link độc hại.

Trong tuần, công ty an ninh mạng Proofpoint cảnh báo tình trạng gia tăng đột biến những nội dung lừa đảo email về các khoản thanh toán tiền hỗ trợ, khoản giãn thuế của Chính phủ Australia hoặc những lời đề nghị cứu trợ “mơ hồ” mạo nhận là từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)  hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Công ty này cảnh báo có tới 80% các vụ tấn công mạng mà công ty này ngăn chặn có nội dung liên quan tới đại dịch COVID-19, đây là một tỷ lệ chưa từng có.

Proofpoitn cho biết nhiều vụ tấn công này đã đạt được mục tiêu và các đối tượng lừa đảo vẫn đang tiếp tục tung những thông tin về các gói hỗ trợ để thu hút nhiều nạn nhân hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục