Cảnh báo đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên bị dụ dỗ bán đất

Khi giá đất tăng cao và những chiêu trò dụ dỗ của “cò đất," người dân chỉ nhìn thấy có lợi khi thu về một khoản tiền lớn nhưng lâu dài sẽ để lại nhiều hệ lụy nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Gia đình chị H’Ngưng Êban, buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar bị người mua lấy hết 400m2 đất thổ cư. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Tây Nguyên được ví như mái nhà của Đông Dương, là nơi cư trú của cộng đồng các dân tộc thiểu số như Ê Đê, Gia Rai, M’Nông, Xê Đăng, Mạ...

Cuộc sống của bà con hiện nay còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, khi giá đất tăng cao, cùng với những chiêu trò dụ dỗ của “cò đất,” nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng Tây Nguyên đã cắt đất để bán. Trước mắt, người dân chỉ nhìn thấy có lợi khi thu về một khoản tiền lớn nhưng lâu dài sẽ để lại nhiều hệ lụy nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Chưa thấy lợi, đã bị lừa

Sốt đất đang đã len lỏi khắp Tây Nguyên, không chỉ ở thành thị mà còn lan tới nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong vòng xoáy sốt đất, những buôn làng vốn bình yên nay trở nên xôm tụ hẳn khi các “nhà đầu tư” về sẵn sàng xuống tiền tỷ để thu gom.

Tại tỉnh Đắk Lắk, một số buôn trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột như Kom Leo (phường Tân Lập), các buôn ở xã Cư Ê Bua, Ea Kao, Ea Tu được giới đầu tư bất động sản quan tâm nhiều nhất do gần tiện ích, giá vẫn "mềm." Đích ngắm tiếp đó là những xã giáp ranh như Cư Suê (huyện Cư M’gar), Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) - nơi được "đồn thổi" là sau này sẽ nhập về thành phố Buôn Ma Thuột.

Nhắc đến hệ quả của sốt đất, không thể không kể đến trường hợp của nhiều hộ dân ở xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk đã trải qua vào thời điểm năm 2018-2019. Thời điểm đó, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Cư Suê đã bán đất để có tiền chữa bệnh, xây nhà, trả nợ ngân hàng.

Song một số đối tượng sau khi đặt cọc, tự nhận tách thửa đất, sang tên rồi tự ý tách toàn bộ đất thổ cư vào sổ của mình hoặc cầm giấy tờ đất đai và trốn mất; có gia đình không biết chữ khi làm xong thủ tục mới biết phần diện tích còn lại cùng căn nhà vợ chồng chị mới xây hoàn toàn là đất nông nghiệp còn phần đất thổ cư đã bán mất.  

Buôn trưởng buôn Sút M’đưng Y Hoa Niê cho hay buôn có 354 hộ, 95% dân tộc thiểu số; trong đó, có hơn 120 hộ đã bán đất, 4 hộ bị lừa lấy hết đất thổ cư. Nguyên dân do người dân trình độ thấp, không kiểm tra kỹ hợp đồng khi công chứng nên bị người mua lừa. Đa số các hộ đều có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian tới, nếu muốn chuyển đổi phần đất nông nghiệp đang ở lên đất thổ cư sẽ tốn nhiều tiền.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cư Suê Đặng Văn Hoan cho biết xã đã nhận được đơn thư phản ánh của người dân về các trường hợp bị lừa hết đất thổ cư. Một số trường hợp người dân khi phát hiện bị lừa hết đất thổ cư đã xảy ra xô xát với người mua.

Tuy nhiên, các vụ việc này người dân mua bán đất chủ yếu tự giao dịch, ra văn phòng công chứng tư nhân, không thông qua địa phương. Khi xã phát hiện thì sự việc đã rồi. Còn những trường hợp giao dịch tại Ủy ban Nhân dân xã, cán bộ xã sẽ xem kỹ hợp đồng, hướng dẫn người dân để tránh bị thiệt hại.

[Tây Nguyên trong vòng xoáy sốt đất: Nhiễu loạn thị trường]

Tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số bán đi tư liệu sản xuất cũng diễn ra tương tự ở các tỉnh Tây Nguyên khác. Tại tỉnh Kon Tum, Làng du lịch cộng Kon Bring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông đang trở thành “mục tiêu” của các đối tượng “cò đất.” Làng có 68 hộ dân là người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng), chuyển về từ vị trí làng cũ cách làng mới hơn 1km.

Toàn bộ đất ở làng cũ được bà con giữ lại để canh tác nông nghiệp, chủ yếu trồng bời lời, cà phê, cây ăn quả. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, các đối tượng “cò đất” đã tìm đến làng, đồn thổi về việc khu vực làng cũ đã được quy hoạch thành khu du lịch, nếu bà con trong làng không bán đất, sẽ bị Nhà nước thu hồi và đền bù với giá rất rẻ.

Khó kiểm soát

Giá đất tăng cao, nhiều hộ đồng bào sẵn sàng cắt một phần đất để bán nhằm giải quyết công việc trước mắt hoặc chi tiêu trong gia đình. Về lâu dài sẽ gây nhiều hệ lụy, nhưng vấn đề này rất khó kiểm soát.

“Mình lo lắm, mình cũng khuyên bảo bà con trong làng là không được bán đất, phải để lại cho con, cho cháu nhưng nhiều người không nghe đâu. Bởi đi làm cực khổ mà tự nhiên có vài trăm triệu để mua đồ đạc hay xây nhà thì họ sẽ chọn bán đất. Vì đây là tài sản của họ nên chỉ khuyên chứ không quyết định được. Nếu cứ bán hết, chả biết sau này con cái họ sẽ lấy gì làm ăn sinh sống,” bà Y Lim, làng Kon Bring lo lắng.

Ông Châu Văn Lâm cho biết để ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền cho bà con bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, vận động, gặp đâu nói đó và lồng ghép nội dung này vào các cuộc họp về bảo vệ đất đai, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc này là bất khả thi, bởi đó là tài sản của người dân. “Thuận mua vừa bán,” việc bà con bán đất là quyền của họ, chính quyền địa phương khó can thiệp được.

Tuy Đức là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông - địa phương đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào M’Nông. Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã định cư tại đây hàng nghìn năm nay. Đây cũng là một trong hai huyện của Đắk Nông được xếp vào danh sách các huyện nghèo của cả nước.

Lãnh đạo huyện Tuy Đức cho biết Nhà nước ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông, điển hình như Tỉnh lộ 1 kết nối hai huyện Đắk R’Lấp - Tuy Đức, dự án phát triển khu vực biên giới (từ cửa khẩu Bu Prăng đi qua hai huyện Tuy Đức, Đắk Song và nối vào đường Hồ Chí Minh)… nên địa phương đang dần “thay da đổi thịt.”

Tuy nhiên, giá đất tăng cao cũng khiến địa phương đau đầu vì sợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số bán đất. Đất đai là tư liệu sản xuất chính và chỉ trong vài năm, giá đất đã tăng gấp nhiều lần nên khiến bà con "lung lay" đem bán, lãnh đạo huyện Tuy Đức trăn trở.

Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Từ Thái Giang cho biết “cò đất” dùng nhiều thủ đoạn để người dân bán đất. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc bán đất sẽ khiến họ dần mất đi tư liệu sản xuất, người dân sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói; thậm chí, nảy sinh tệ nạn xã hội và nạn phá rừng làm nương rẫy cũng gia tăng.

Các biển quảng cáo bán đất nền chi chít tại khu vực làng Nhao 2, xã Ia Kênh, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Trước đây, việc giao dịch mua bán phải thông qua cán bộ địa chính xã, phường, nay chỉ cần ra phòng công chứng, thoát đi sự quản lý của địa phương. Tình trạng này cần sớm có giải pháp khắc phục. Việc mua bán cần qua địa phương xác nhận để siết chặt và quản lý tốt hơn. Ngoài ra, các trường hợp mở đường trên đất nông nghiệp, xây dựng khu nghỉ dưỡng tự phát và có thái độ chống đối, thách thức chính quyền cùng lực lượng chức năng, cần cương quyết xử lý, có đủ căn cứ cơ sở, tiến hành khởi tố, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột nhấn mạnh.

Ông Đặng Ngọc Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, thông tin huyện đã khuyến cáo người dân không chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các trường hợp khác nhằm mục đích tách thửa, chuyển mục đích, phân lô bán nền.

Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã yêu cầu chính quyền các địa phương và văn phòng đăng ký đất đại huyện không đồng ý cho chuyển nhượng nếu diện tích đất trong hộ gia đình còn dưới 500m2. Nếu cán bộ nào đồng ý cho chuyển nhượng sẽ bị xử lý nghiêm. Việc này sẽ giúp cho bà con giữ lại được đất là phương tiện sản xuất để nuôi sống họ.

Nhận diện nguyên nhân sốt đất

Qua tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giao dịch đất đai ở nhiều địa phương tại Tây Nguyên tăng mạnh là do sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi đầu tư vào bất động sản. Nhiều nhà đầu tư cho biết trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, nguy cơ lạm phát tăng..., mua bất động sản là kênh đầu tư an toàn.

Hơn nữa, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch theo phân khúc bất động sản có chỉ số môi trường tốt, thân thiện theo hình thức sinh thái tại một số tỉnh, thành phố có diện tích rộng như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai... để xây dựng nhà vườn, biệt thự nghỉ dưỡng. Đây cũng là lý do khiến thị trường bất động sản ở Tây Nguyên thêm sôi động, giá đất tăng cao.

Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên đang lập, hoàn thiện quy hoạch; trong đó có quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030. Dự thảo Quy hoạch được lấy ý kiến công khai rộng rãi, do đó có hiện tượng nhà đầu tư, các hộ gia đình, cá nhân lợi dụng dự thảo Quy hoạch, tung tin, “đồn thổi,” lập giao dịch “ảo” nhằm đẩy giá đất lên cao để trục lợi.

Theo lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, giao dịch đất đai tăng đột biến, giá đất tăng “phi mã” một phần do tác động của Quy hoạch phát triển đô thị giai đoạn 2021-2030; Kết luận 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột.

Cùng đó là "cộng hưởng" của các dự án đầu tư, các công trình trọng điểm quốc gia và địa phương như: Đường Hồ Chí Minh (đoạn tránh Đông thành phố Buôn Ma Thuột), cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa, đường Đông Tây, sân Golf Ea Kao, hồ Ea Tam, dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn... Nhiều người mua đất với hy vọng đón hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường cao hưởng lợi...

Tại nhiều tỉnh Tây Nguyên, việc tách thửa, phân lô bán nền diễn ra rầm rộ, khó kiểm soát. Nguyên nhân một phần là do sự yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, pháp luật chưa chặt chẽ. Việc thẩm định nhu cầu sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất ở một số địa phương chưa đảm bảo quy định của pháp luật; chính quyền cấp xã chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để việc tự ý chuyển mục đích và xây nhà trái phép theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

(Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Cùng đó, Luật đất đai năm 2013 quy định chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân chưa chặt chẽ, không quy định hạn mức, điều kiện cụ thể đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở...

Nhiều hệ lụy

Tình trạng sốt đất, phân lô bán nền tràn làn ở các tỉnh Tây Nguyên đang gây ra nhiều hệ lụy. Việc mua bán đất đai, tách thửa, phân lô, đẩy giá đất tăng bất thường, giá đất tăng ảo sẽ gây nhiều khó khăn cho quản lý đất đai của địa phương ở Tây Nguyên. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk Trần Đình Nhuận, giá đất tăng “sốc” sẽ gây nhiều khó khăn trong việc quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, quy hoạch xây dựng, đô thị, quy hoạch dân cư nông thôn.

Bên cạnh đó, giá đất tăng còn gây khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư công, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh do tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; gây khiếu kiện, khiếu nại, xung đột về đất đai, thất thu tiền sử dụng đất...

Theo ông A Byot, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, tình trạng “thổi” giá đất, “sốt đất” hiện nay sẽ cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống đối với các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết vào các địa phương. Giá đất tăng cao sẽ kéo theo hàng loạt chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Khi chi phí đầu tư, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng sẽ gây khó khăn cho địa phương, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế-xã hội.

Nếu tình trạng “thổi” giá nhà, đất, sốt đất “ảo” không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường cũng như các chính sách phát triển nhà ở của tỉnh. Cụ thể, giá đất tăng khiến chi phí phát triển nhà ở tăng, gây khó khăn hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của địa phương. Đối với vùng nông thôn, khi giá đất sốt ảo, người dân cũng không thể yên tâm canh tác, sản xuất. Một số hộ dân sản xuất nông nghiệp; trong đó có cả người đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã bán đất nông nghiệp, sẽ bị mất sinh kế, đất nông nghiệp bị để hoang - ông A Byot phân tích.

Giá đất tăng, thị trường bất động sản tăng trưởng “nóng” khiến việc thu hồi đất phục vụ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội tại Đắk Nông phát sinh thêm nhiều khó khăn. Theo một số hộ dân tại các xã Đắk Wer, Kiến Thành (đều thuộc huyện Đắk R’Lấp), trong các năm 2017-2018, khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất để khai thác quặng bauxite, mỗi hecta đất được đền bù khoảng từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, nhìn chung cao hơn so với giá thị trường. Người dân sau khi nhận được tiền đền bù có thể tìm mua mảnh đất khác để ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, khoảng từ năm 2021 đến nay, nếu người dân nhận được khoảng 1,5 tỷ đồng tiền đền bù cho mỗi hecta đất, chỉ mua được một mảnh đất với diện tích một nửa (0,5ha), thậm chí chỉ mua được khoảng 0,3ha. Thực trạng này khiến việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất gặp nhiều khó khăn so với trước. Người dân cũng rất thiệt thòi nếu Nhà nước không có các chính sách điều chỉnh kịp thời về giá đền bù, chính sách hỗ trợ sau thu hồi đất, lãnh đạo một xã ở huyện Đắk R’Lấp trao đổi.

Địa hình đồi dốc là một đặc trưng của Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng. Mấy năm nay, “sốt” đất đã dẫn tới hệ lụy và tình trạng san ủi, tạo mặt bằng tại các địa phương diễn biến phức tạp, nhiều nhất là tại các huyện như Đắk R’Lấp, Đắk Song, Tuy Đức… Thực trạng này dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm về môi trường cũng như an toàn cho con người, công trình trong bối cảnh mưa lũ, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp.

Một số chuyên gia nhận định việc san ủi đất, tạo “view” ven ao hồ, sông suối, ngọn đồi… cần được khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về địa chất, địa hình, cũng như dự báo các vấn đề liên quan tới những diễn biến bất thường của thời tiết.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Gia Lai, địa phương là tỉnh nông nghiệp, cần có quỹ đất lớn để hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn đặc biệt là chuyên canh cây càphê, hồ tiêu - những cây trồng chủ lực. Việc tách nhỏ các thửa đất nông nghiệp gây manh mún vườn cây trồng, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến để gia tăng giá trị cho nông sản.

Giá đất tăng cao cũng ảnh hưởng đến dự kiến đầu tư các dự án nông nghiệp tại Gia Lai. Giá đền bù đất hoặc mua đất để làm dự án quá cao khiến nhà đầu tư phải cân nhắc bài toán hiệu quả kinh tế. Điều này khiến tỉnh khó thu hút các dự án nông nghiệp địa phương sẽ thiệt thòi.

Sốt đất cũng khiến tình trạng phá rừng, bao chiếm đất đai, mua bán đất lâm nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên gia tăng. Chẳng hạn, tại khu vực thuộc Dự án hồ chứa nước Ta Hoét (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) dù chưa được triển khai thi công mở rộng nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện nạn trạng phá rừng chiếm đất để đón đầu xu hướng phân lô, làm du lịch nghỉ dưỡng ven hồ.

Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cho thấy năm 2021, tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn vẫn còn phức tạp với tổng số 579 vụ, diện tích bị lấn chiếm 154ha; trong đó đã giải tỏa 129ha. Ngoài ra, còn có 85 vụ tái lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 24,5ha; trong đó, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng diễn ra nhiều ở một số địa phương như huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Lâm Hà, Lạc Dương… Đặc biệt có các vụ việc nổi cộm gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng nhận định nguyên nhân của tình trạng trên là do giá trị của đất sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng.

Tại tỉnh Đắk Lắk, nhiều vụ phá rừng quy mô lớn mới được phá hiện thời gian qua, điển hình như vụ phá 382ha rừng tại huyện biên giới Ea Súp, phá hơn 76ha rừng tại huyện Lắk mà nguyên nhân sâu xa cũng là chiếm đất, sang nhượng đất trái phép trong bối cảnh đất đai ngày càng tăng giá.

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do giá đất tăng đột biến, nhiều người đã chuyển nhượng đất để có kinh phí xây dựng nhà, mua sắm tài sản, làm mất tư liệu sản xuất, nguy cơ thiếu đất ở và đất sản xuất gia tăng; tiềm ẩn xung đột về đất đai, mất việc làm, bất ổn định an ninh-trật tự xã hội.

Xử lý nghiêm người đứng đầu

Trước tình trạng sôi động của thị trường đất đai, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, các cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đã nhiều lần bàn, giám sát về vấn đề này.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã phê bình, kiểm điểm đối với Ủy ban Nhân dân các phường, xã Tân Lập, Tân Lợi, Hòa Thắng; thành lập Đoàn thanh tra trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng, sử dụng đất đai đối với 3 phường, xã là Thành Nhất, Ea Kao và Cư Êbur.

Tính từ đầu năm 2021 đến hết tháng 2/2022, trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột có 205 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp và vi phạm khác về đất đai; 19 trường hợp xây dựng không phép công trình trên đất ở hoặc sai hồ sơ thiết kế được duyệt.

Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Phó Chủ tịch phường Thành Nhất do có sai phạm trong công tác quản lý đất đai; cảnh cáo Chu tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea Kao kể từ ngày 6/4/2022 vì để xảy ra 38 trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, 39 trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở vượt diện tích đất ở.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột cho biết tình hình xây dựng trái phép và sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn thời gian qua diễn biến phức tạp. Quan điểm của Ủy ban Nhân dân thành phố là xử lý nghiêm, không có "vùng cấm." Thời gian tới, tình hình xây dựng trái phép và sử dụng đất không đúng mục đích còn diễn biến phức tạp.

San ủi, hủy hoại đất tại điểm đen giao thông cầu Đắk R’Tíh trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông). (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Do đó, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tăng cường vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, phường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và chuyển đổi sử dụng đất không đúng mục đích.

Tại Gia Lai, để mạnh tay với tình trạng phân lô bán nền, làm trái quy định của Nhà nước, phá vỡ quy hoạch, thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố nhiều vụ án hình sự thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhiều sự việc tiếp tay của cán bộ chính quyền địa phương cho nhà đầu tư hoặc "cò đất" đã bị xử lý như kỷ luật khiển trách Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku; cảnh cáo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku; khiển trách Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường. Ngoài ra, nhiều cán bộ của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và thành phố Pleiku, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Pleiku đều bị kỷ luật.

Tại Lâm Đồng, sau kết luận của Thanh tra tỉnh hồi tháng 10/2021, thành phố Bảo Lộc đã thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan trong quản lý sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn. Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc, địa phương đã tổ chức kiểm điểm cá nhân vi phạm liên quan đến trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất Trưởng phòng Quản lý đô thị Bảo Lộc, nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã ĐamB’ri, Phó chủ tịch Ủy Nhân dân xã ĐamB’ri, kỷ luật với hình thức khiển trách đều nhận hình thức kỷ luật khiển trách.

Tuy nhiên, theo dư luận tại địa phương, cần có biện pháp mạnh hơn nữa trong việc xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu thành phố Bảo Lộc. Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng nhấn mạnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc tham mưu, chỉ đạo hoạt động của ngành.

Đặc biệt là việc chỉ đạo áp dụng quy đinh về “tặng cho” quyền sử dụng đất tại các cơ quan thuộc Sở chưa đúng quy định của pháp luật nhưng không có biện pháp phát hiện, xử lý kịp thời.

Minh bạch trong quản lý

Đánh giá về tình trạng sốt đất thời gian qua tại nhiều địa phương; trong đó, có khu vực Tây Nguyên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đào Trung Chính, nếu không can thiệp, chấn chỉnh kịp thời có thể dẫn đến nhiều hệ lụy bởi hiện tượng này là không bình thường.

Một trong các nguyên nhân vì đây là thời điểm các địa phương đang triển khai lập quy hoạch mới cho thời kỳ 2021-2030. Thực tế, có quy hoạch đã được phê duyệt nhưng cũng có nhiều ý tưởng dự kiến; trong đó, có những thông tin về chủ trương, định hướng thay đổi đơn vị hành chính từ huyện lên quận, nâng cấp đô thị. Nhiều dự án phát triển hạ tầng, khu công nghiệp... được thông tin dự kiến triển khai.

Tuy nhiên, có nguyên nhân mang tính tiêu cực là yếu tố đầu cơ. Những người môi giới hoạt động thiếu chuyên nghiệp vì trục lợi bất chính đã gây nhiễu thông tin... nhằm thổi giá đất lên cao kiếm lời. Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này, ngay từ khi cơn sốt đất bùng phát vào năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận định, nếu không can thiệp kịp thời để giá đất được quản lý, định hướng thì có thể dẫn đến hệ lụy mà phải mất nhiều năm mới khắc phục được. Do đó, Bộ đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị thực hiện các giải pháp quản lý nhằm hạn chế hiện tượng sốt đất ảo, thổi giá đất.

Ông Đào Trung Chính cho rằng cần phải tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai. Cùng đó, hoạt động môi giới bất động sản cũng phải kiểm tra, chấn chỉnh để tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, có các biện pháp quản lý chặt dự án phân lô, bán nền. Việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận thông tin chính thống cũng chính là biện pháp nhằm tránh để bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục