Cảnh báo chiêu trò giăng bẫy người dân của kinh doanh đa cấp

Mặc dù đã được điều chỉnh theo hướng thắt chặt quản lý, nhưng bằng nhiều chiêu trò biến tướng tinh vi và đánh vào lợi ích kinh tế, không ít người dân vẫn rơi vào "bẫy" kinh doanh đa cấp.
Mạng lưới chuyển tiền của Payasian.

Mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, các quy định pháp luật về kinh doanh đa cấp đã được điều chỉnh theo hướng thắt chặt quản lý, nhưng bằng nhiều chiêu trò biến tướng tinh vi và đánh vào lợi ích kinh tế, không ít người dân vẫn rơi vào "bẫy" kinh doanh đa cấp dẫn đến nợ nần. Hình thức biến tướng này cũng gây mất ổn định trật tự an ninh xã hội.

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã đăng trên trang điện tử của Sở về hoạt động kinh doanh có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, lừa đảo của Ví điện tử tự xưng có tên Payasian của Công ty cổ phần Payasian nhằm cảnh báo cho người dân không nên tham gia vào các hoạt động kinh doanh bất chính, lừa đảo.

Cụ thể, trên trang web dẫn lại thông tin ví điện tử có tên Payasian của Công ty cổ phần Payasian (Đăng ký kinh doanh số 0314830202 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 10/01/2018; Địa chỉ trụ sở công ty đặt tại 137 Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) được quảng cáo có thể thanh toán được mọi loại tiền tệ trên thế giới, đổi tiền thật lấy tiền ảo nhận lãi suất khủng và đặc biệt đầu tư tiền ảo Paya không chịu sự rủi ro nào, chỉ có tăng giá và có thể tăng gấp 20 lần.

Ngoài ra, các nhà đầu tư còn nhận thêm cả hoa hồng "khủng" nếu mời thêm được nhà đầu tư mới. Theo đó, cứ mời được những người đầu tiên thuộc F1 sẽ được 30% hoa hồng, mời được những người F2 sẽ được 20% số tiền bảo chứng của người sau, theo hình kim tự tháp. Tất cả hoa hồng đều chỉ được trả bằng tiền ảo.

Chưa hết, nếu mời được người dùng và cài App ví điện tử Payasian thì sẽ được hưởng 1% doanh số giao dịch của người đó suốt đời.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, sai phạm của Công ty cổ phần Payasian là đến nay chưa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Đồng thời, đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp của công ty không phải là hàng hóa thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.

[Bộ Công an chính thức cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo của PayAsian]

Theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm; doanh nghiệp muốn hoạt động bán hàng đa cấp phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo quy định tại Điều 217a Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)- Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp quy định: người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc hoạt động không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị phạt tiền tối đa đến 5 tỷ đồng, phạt tù tối đa đến 5 năm tù. Trường hợp phạm tội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo Điều 174 Bộ Luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trên đây chỉ là một trong hàng ngàn chiêu trò, lừa đảo của các công ty kinh doanh đa cấp để thu hút lòng tham của người dân vào lợi nhuận siêu khủng mà mất cảnh giác với khả năng mất trắng số tiền đầu tư ban đầu.

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có văn bản chuyển Công an thành phố Hà Nội để điều tra, xác minh, xử lý đối với dấu hiệu vi phạm của Công ty cổ phần quốc tế Ước Mơ Việt về hoạt động kinh doanh đa cấp có dấu hiệu lừa đảo.

Đó là công ty này phát hành và bán cho người tham gia cuốn sổ có tên gọi "Bảo trì tài sản dân dụng". Sau khi người tham gia mua một gói đầu tư trị giá 50 triệu đồng, ngoài lời hứa lãi suất cao gấp 7 lần ngân hàng được trả hàng tháng, người tham gia được nhận về 25 cuốn sổ này.

Mỗi cuốn sổ bao gồm 10 tờ phiếu, gọi là phiếu bảo trì tài sản dân dụng. Các tờ phiếu sẽ được đem bán cho những người khác có nhu cầu bảo trì các tài sản trong nhà với giá 300.000 đồng/phiếu. Khi có hỏng hóc các thiết bị trong gia đình như: tivi, tủ lạnh... sẽ được sửa chữa miễn phí và trong trường hợp không sửa được có thể bồi thường lên đến 50% giá trị sản phẩm hư hỏng. Bán được nhiều phiếu người tham gia thu được nhiều tiền. Nếu người tham gia giới thiệu người mới sẽ được hưởng hoa hồng lên đến 20% giá trị gói đầu tư. Các đại lý sẽ được giảm 1/3 giá gốc + 7% tiền quản lý.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 21 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đăng ký hoạt động gồm các mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng.... Trong số đó, thực phẩm chức năng là mặt hàng có số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhiều nhất, với trên 80% số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.

Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp của 21 doanh nghiệp là 54.500 người, giảm 27% so với năm 2018. Các Sở, ngành của thành phố Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính 6 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt 640 triệu đồng trong năm 2019.

Riêng năm 2019, Sở Công Thương Hà Nội đã nhận được báo cáo, xin phép tổ chức hơn 600 hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, Sở cũng đã ban hành văn bản thông báo về việc tổ chức hội nghị, hội thảo của các doanh nghiệp để các Sở, ngành, quận, huyện biết và thực hiện kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Sở cũng đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bán hàng đa cấp, các hành vi biến tướng, lừa đảo trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp, người dân trên địa bàn tránh các hiện tượng tiêu cực, thiệt hại về kinh tế, gây mất ổn định trật tự xã hội. Sở biên soạn cuốn tài liệu "Hỏi-đáp về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp" để phát đến các cơ quan, tuyên truyền đến người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết việc phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được thực hiện ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả. Sở đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trình Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét ban hành.

Song song với đó, Sở cũng thường xuyên phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các quận, huyện để cảnh báo về việc nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo như: Mô hình ví điện tử New Life, Future Net, Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện Bạch Gia, gần đây là cảnh báo dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép của Công ty trách nhiệm hữu hạn Life Care để người dân nâng cao cảnh giác, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo…. Qua đó, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn Hà Nội đã dần được kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, do các công ty kinh doanh đa cấp hoạt động ngày càng tinh vi nên việc quản lý các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, các chủ thể kinh doanh đa cấp bất chính chuyển sang các mô hình hoạt động sử dụng phương thức đa cấp nhưng không mua bán hàng hóa thực sự, hoặc sử dụng công nghệ số, thương mại điện tử nhằm né tránh, qua mặt khi cơ quan quản lý thanh, kiểm tra.

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển nên việc bùng nổ thương mại điện tử là tất yếu, do vậy hoạt động kinh doanh đa cấp có xu hướng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bối cảnh này đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới trong quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, nhất là trong tương lai có sự áp dụng sâu rộng các công nghệ hiện đại.

Theo các chuyên gia kinh tế, các cơ quan chức năng cần sớm có quy định đón đầu cũng như áp dụng công nghệ hiện đại để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hoạt động này. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp ở địa phương; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo để người dân sớm nhận diện và phòng tránh trước các hoạt động này.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết để người dân không bị mắc lừa kinh doanh đa cấp, Sở đã có những khuyến cáo cũng như tuyên truyền trên website của Sở về hoạt động bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, Sở thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

Ngoài ra, Sở cũng đề nghị các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quản lý hoạt động kinh doanh này tại địa bàn thành phố; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa bàn, gửi thông tin kết quả giám sát về Sở Công Thương Hà Nội để phối hợp quản lý.

Để tránh bị lôi kéo vào bẫy lừa đảo bán hàng đa cấp, ông Nguyễn Thanh Hải cũng khuyến cáo người dân cần nhận thức rõ các dấu hiệu lừa đảo như mời chào tham gia đầu tư, nộp tiền, hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường; hay khuyến khích người mua gửi hàng tại kho của công ty khi nào bán được thì đến lấy; kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không có sản phẩm hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục