Dư lượng của hàng tỷ liều thuốc kháng sinh, giảm đau và thuốc chống suy nhược để lại nguy cơ tiềm ẩn cho các hệ sinh thái nước ngọt cũng như chuỗi thực phẩm toàn cầu.
Đây là kết quả phân tích mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới công bố ngày 14/11.
Ngày càng nhiều người lo ngại rằng việc sử dụng các loại kháng sinh trong điều trị hay trong nông nghiệp mà không có sự giám sát sẽ gây ra những tác dụng ngược với môi trường và sức khỏe con người.
Khi động vật và con người sử dụng thuốc, khoảng 90% các hoạt chất có trong thuốc sẽ được đào thải trở lại môi trường. Thêm vào đó, nhiều loại thuốc bị vứt bỏ mà không được sử dụng. Chỉ riêng tại Mỹ, ước tính khoảng 1/3 tổng số 4 tỷ liều thuốc được kê đơn mỗi năm bị vứt bỏ.
Từ những quan ngại này, OECD đã tiến hành so sánh dữ liệu mật độ các chất thải dược khoa trong các mẫu nước trên toàn thế giới, đồng thời dự đoán các xu hướng và quy chuẩn lọc nước ở các quốc gia khác nhau.
[Bé 14 tháng tuổi bị nhiễm độc chì nghiêm trọng do bôi thuốc cam]
Báo cáo của OECD trích dẫn một nghiên cứu được ước tính khoảng 10% các loại dược phẩm dùng cho con người tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường, bao gồm các loại hormone, giảm đau và chống suy nhược.
Trong khi đó, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc được dự đoán sẽ gia tăng mạnh mẽ trong hơn 2/3 thập kỷ tới, làm dấy lên những quan ngại về tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Con người cũng được dự đoán sẽ kê đơn thuốc ngày càng nhiều hơn. Tác giả chính của báo cáo, chuyên gia Hannah Leckie, cho rằng loại thuốc mới vẫn đang dược nghiên cứu và bào chế, các dịch vụ điều trị khuyến khích điều trị sớm với những liều thuốc ngày càng cao hơn.
Báo cáo dẫn một nghiên cứu khác cho thấy mật độ tập trung các dư chất thuốc ở trong các nguồn nước ở Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Hàn Quốc và Mỹ ở mức độ "rất cao."
Trong khi chỉ riêng tại Anh, các thành phần như ethinyloestradiol, diclofenac, ibuprofen, propranolol và khánh sinh được phát hiện ở 890 nhà máy xử lý nước thải của Anh với nồng độ cao đủ để gây ra những tác động ngược với môi trường.
Chuyên gia Hannah Leckie cho rằng các dư chất thuốc đã được phát hiện ở cả các nguồn nước bề mặt và nước ngầm trên toàn thế giới nhưng tình trạng thực tế có thể tồi tệ hơn.
Hiện mỗi năm thế giới có hơn 700.000 người tử vong vì các bệnh do kháng thuốc. Trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng tăng và già hóa, cùng với đó, tỷ lệ kê đơn ngày càng cao, số ngưởi tử vong vì nguyên nhân này có thể lên đến 10 triệu người /năm trước năm 2050, cao hơn số người chết vì ung thư.
Báo cáo của OECD cảnh báo nếu không có biện pháp phù hợp để giám sát các nguy cơ, dư chất thuốc thải loại ra môi trường sẽ ngày càng nhiều khi dân số ngày càng già hóa, tiến bộ trong chăm sóc y tế và nhu cầu tiêu thụ thịt động vật ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu kéo theo các loại bệnh truyền nhiễm như sốt rét và sốt xuất huyết./.