Canh bạc chính trị và nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân ở vùng Vịnh

Với những chính sách ở vùng Vịnh, chính quyền Trump đang không chỉ khuyến khích một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực… mà còn làm suy yếu cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân mang tầm quốc tế.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trong cuộc họp nội các ở Jerusalem ngày 3/9/2019. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trong cuộc họp nội các ở Jerusalem ngày 3/9/2019. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo Trang mạng eurasiareview.com, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani có thể không phải là người duy nhất hoan nghênh quyết định hủy các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra.

Có lẽ, Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu cũng rất hoan nghênh quyết định đó trong bối cảnh cuộc bầu cử ở Israel diễn ra vào ngày 17/9.

Việc hủy bỏ các cuộc đàm phán hòa bình có thể làm giảm thiểu nỗi lo sợ trong những tuần gần đây của ông Netanyahu và cộng đồng tình báo Israel rằng Tổng thống Mỹ có thể đảo ngược đường lối cứng rắn của ông với Iran và tìm cách đàm phán một biện pháp giải quyết mâu thuẫn với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani.

Nỗi sợ của Israel được khơi dậy từ việc ông Trump nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đến việc gặp gỡ Tổng thống Iran Rouhani, từ các cuộc đàm phán bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp lớn nhất thế giới (G7) ở Biarritz giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif, cũng như từ quyết định hủy cuộc tấn công chống lại Iran vào phút cuối cùng của ông Trump hồi tháng 6/2019.

[Hệ quả trò chơi chính trị của Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Israel]

Ông Trump đã nhắc lại việc ông sẵn sàng đàm phán với ông Rouhani một ngày sau khi hủy bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban và vài giờ sau khi ông Natanyahu tìm cách chứng minh Iran đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015, có tên là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và được thiết kế để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran.

Thủ tướng Israel Netanyahu có lẽ đã thấy rõ việc ông Trump sa thải Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton - một trong những “người bạn tâm giao” với ông trong chính quyền Mỹ về vấn đề Iran - là một dấu hiệu đáng lo ngại.

Chuyên gia về Iran thuộc Tổ chức khủng hoảng quốc tế (ICG) Ali Vaez bày tỏ nỗi sợ tồi tệ nhất của ông Netanyahu bằng việc miêu tả sự ra đi của ông Bolton là “một cơ hội để giảm leo thang” (căng thẳng giữa Mỹ và Iran).

Tuy nhiên, ông Netanyahu và tình báo Israel cũng có thể rút ra 2 kết luận từ quyết định hủy bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban của ông Trump.

Thứ nhất, nếu việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 hồi năm ngoái, bất chấp sự đồng thuận rằng Cộng hòa Hồi giáo Iran vẫn đang tuân thủ thỏa thuận, từng khiến Iran tin rằng không nên tin tưởng Mỹ sẽ tôn trọng các cam kết, thì các cuộc đàm phán bị hủy bỏ với Taliban cũng nhấn mạnh rủi ro khi gắn kết với Tổng thống Mỹ.

Do đó, Tổng thống Iran Rouhani - một người đề xuất mạnh mẽ hiệp ước hạt nhân nhưng đã bị suy yếu do quyết định của Tổng thống Mỹ - dường như còn ngần ngại hơn khi hợp tác với ông Trump. Đó là điều mà ông Netanyahu sẽ tính đến.

Tổng thống Rouhani hồi tháng trước từng bày tỏ sự sẵn lòng gặp gỡ ông Trump mà không cần điều kiện tiên quyết, tuy nhiên sau đó, ông đã củng cố lập trường bằng việc nhấn mạnh rằng Mỹ trước hết phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Ông cũng đã nói với Quốc hội Iran một ngày trước khi ông Trump đưa ra lời đề nghị mới nhất và cùng ngày ông Trump hủy bỏ các cuộc đàm phán với Taliban rằng phản ứng của Iran đối với những bước đi của Mỹ sẽ “luôn luôn tiêu cực.”

Việc hủy bỏ các cuộc đàm phán cũng có khả năng củng cố sự mất lòng tin sâu sắc của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đối với Mỹ.

Mặt khác, Thủ tướng Netanyahu và tình báo Israel có thể rút ra được kết luận thứ hai từ việc hủy bỏ các cuộc đàm phán, được thúc đẩy bằng việc Taliban vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công, bất chấp các cuộc đàm phán hòa bình, khiến 1 lính Mỹ và 11 người khác thiệt mạng.

Việc ông Trump tuyên bố các cuộc đàm phán đã “chết” làm dấy lên nỗi lo sợ về một vị tổng thống miễn cưỡng lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột quân sự lâu dài bằng việc gia tăng hoạt động ở Afghanistan để chống lại Taliban.

Trong một nỗ lực để củng cố lợi thế và đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những thất bại trong chiến dịch bầu cử của mình, ông Netanyahu hôm 9/9 đã cáo buộc chế độ “hai mặt” Iran đã bí mật phát triển vũ khí hạt nhân tại một địa điểm đến nay vẫn chưa ai biết ở gần Abadeh, phía Nam thành phố Isfahan. Ông Netanyahu khẳng định Iran đã phá hủy địa điểm này khi nhận ra Israel đã phát hiện ra nó. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Zarif đã bác bỏ cáo buộc của Israel.

Trong khi đó, các nhà phân tích lại cáo buộc rằng ông Netanyahu đang lợi dụng những thông tin cũ để làm mờ ranh rới giữa nhu cầu bầu cử của ông và mối quan tâm an ninh thực sự của Israel.

Amos Harel, một nhà báo của tờ Haaretz nói: “Theo cách mà ông Netanyahu trình bày mọi thứ… có một chút lôi kéo (bằng mánh khóe); trái ngược với những gì người ta có thể hiểu từ những nhận định của ông, đây là một sự vi phạm mà Iran thực hiện từ trước khi ký kết thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực vào tháng 1/2015.”

Với nỗ lực thuyết phục cử tri Israel rằng mình là nhà lãnh đạo Israel sở hữu các khả năng an ninh cần thiết để bảo vệ Israel khỏi những kẻ như Iran, củng cố quyết tâm của Mỹ trong việc buộc Iran phải “quỳ gối,” và thuyết phục các quốc gia khác tin rằng Iran là nguồn cơn của mọi tội lỗi, ông Netanyahu có nguy cơ không chỉ làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông mà còn làm bùng phát cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực.

Sự quyết đoán của ông Netanyahu có thể củng cố quyết tâm của Saudi Arabia để đối chọi với bất kỳ tiến bộ nào mà Iran đạt được.

Thái tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Năng lượng mới được bổ nhiệm của Saudi Arabia- trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi nhậm chức trong tuần này nói rằng vương quốc muốn thúc đẩy toàn bộ quá trình của chương trình hạt nhân, bao gồm việc sản xuất và làm giàu urani để làm nhiên liệu nguyên tử.

Iran trong những tuần gần đây đã dần dần vi phạm các giới hạn trong thỏa thuận hạt nhân đối với kho dự trữ urani được làm giàu của mình và đã thiết lập các máy ly tâm tiên tiến để buộc châu Âu phải thực hiện các bước đi hiệu quả nhằm chống lại các tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ và ngăn chặn sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân.

Trong một chỉ dấu cho thấy cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đòi hỏi nước ông cũng phải có quyền phát triển năng lượng hạt nhân quân sự. Chưa kể đến việc một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân có thể thúc đẩy Israel tăng cường khả năng duy trì lợi thế chiến lược của mình.

Học giả vùng Vịnh Luciano Zaccara cho biết: “Với những chính sách dại dột ở vùng Vịnh, chính quyền Trump đang không chỉ khuyến khích một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực… mà còn làm suy yếu cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân mang tầm quốc tế.

Trong tình hình bất ổn hiện nay ở Trung Đông… việc thiếu một thỏa thuận không phổ biến vũ khí mạnh mẽ sẽ thúc đẩy một chạy đua hạt nhân trong khu vực và gia tăng cơ hội cho các hành vi tấn công quân sự phủ đầu mà có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn.”

Điều tương tự cũng có thể áp dụng cho cách tiếp cận của ông Netanyahu./.

Tin cùng chuyên mục