Căng thẳng tiếp tục leo thang trên chính trường Malaysia

Chính trường Malaysia đã leo thang căng thẳng khi ngày 23/9, lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sỹ trong Quốc hội để thành lập chính phủ mới.
Căng thẳng tiếp tục leo thang trên chính trường Malaysia ảnh 1Lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim. (Ảnh: BP)

Chính trường Malaysia đã leo thang căng thẳng khi ngày 23/9, lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sỹ trong Quốc hội để thành lập chính phủ mới, song Thủ tướng Muhyiddin Yassin khẳng định ông vẫn là lãnh đạo hợp pháp của quốc gia Đông Nam Á này.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Kuala Lumpur, ông Anwar cho biết ông đã hội đủ sự ủng hộ của các nghị sỹ để thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, vẫn còn những quan ngại liên quan đến tuyên bố trên của ông Anwar, do ông không công bố chi tiết ông đã nhận được sự ủng hộ của bao nhiêu nghị sỹ hoặc từ đảng nào.

Theo Hiến pháp Malaysia, để thành lập chính phủ mới, ông Anwar phải chứng minh được với Quốc vương nước này Abdullah Sultan Ahmad Shad - người giữ vai trò bổ nhiệm chính thức chức vụ Thủ tướng Malaysia, rằng ông đã có đủ sự ủng hộ tại Quốc hội gồm 222 ghế. Tuy nhiên, hiện ông Anwar vẫn chưa gặp được Quốc vương.

Ông Anwar cho biết kế hoạch ban đầu gặp Quốc vương Abdullah vào ngày 22/9 song đã phải hoãn lại do Quốc vương đang trị bệnh tại Viện tim mạch quốc gia ở thủ đô Kuala Lumpur.

Tuy nhiên, cùng ngày, Thủ tướng Muhyiddin khẳng định cho đến khi ông Anwar chứng minh được tuyên bố của mình, chính phủ hiện nay vẫn hoạt động và ông vẫn là Thủ tướng hợp pháp. Các đảng phái ủng hộ liên minh của Thủ tướng Muhyiddin cũng chỉ trích tuyên bố của ông Anwar.

[Những biến động khó lường trên chính trường Malaysia]

Động thái trên của ông Anwar diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp bang Sabah, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Đây được coi là phép thử lớn đối với sự ủng hộ của chính phủ hiện nay.

Chính phủ do Thủ tướng Muhyiddin dẫn dắt đang gặp nhiều khó khăn trong việc đưa Malaysia vượt qua những tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, với nền kinh tế trong quý II/2020 suy giảm ở mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua, do các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện các biện pháp hạn chế đã được nới lỏng và chính phủ đã được đánh giá cao về việc xử lý dịch bệnh. Trong thăm dò dư luân hồi đầu tháng này, Chính phủ Malaysia đã nhận được 69% sự ủng hộ của người dân.

Lãnh đạo đối lập Anwar là nhân vật chính trong liên minh giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018. Sau đó, ông Mahathir Mohamad, 95 tuổi, đã lần thứ 2 giữ cương vị Thủ tướng Malaysia. Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã sụp đổ, kéo theo việc giải tán chính phủ do các đồng minh trong Liên minh Hy vọng (PH) cầm quyền, gồm đảng Bersatu của ông Mahathir, đảng Công lý Nhân dân (PKR) của Chủ tịch Anwar, đảng Hành động Dân chủ (DAP, do người Malaysia gốc Hoa lãnh đạo) và đảng Amanah hợp thành.

Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng Malaysia có thể phải tiến hành bầu cử trước thời hạn mới có thể chấm dứt bất ổn chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục