Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung không khiến doanh nghiệp rối ren

Hầu hết các công ty Mỹ không bị xáo trộn bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, dù các đòn trả đũa về thuế của hai nền kinh tế này đã khiến một số nhà sản xuất ngừng đầu tư và tăng giá sản phẩm.
(Nguồn: Sputnik)

Một khảo sát công bố ngày 16/7 cho thấy hầu hết các công ty Mỹ không bị xáo trộn bởi căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, dù các đòn trả đũa về thuế của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã khiến một số nhà sản xuất ngừng đầu tư và tăng giá sản phẩm.

Khảo sát hàng tháng trên do Hiệp hội quốc gia về kinh tế doanh nghiệp Mỹ (NABE) tiến hành đối với 98 nhà kinh tế của các công ty tư nhân và hiệp hội thương mại Mỹ.

Các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội này đều kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đi lên trong năm tới với tỷ lệ lạm phát được dự báo ở mức 2%. Đây là mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ đặt ra.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ rõ 65% số chuyên gia được hỏi cho rằng các biện pháp thuế trả đũa của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không khiến nhiều công ty thay đổi kế hoạch kinh doanh, hay đầu tư, thậm chí ngừng tuyển dụng lao động.

Tuy nhiên, tâm lý quan ngại lại bao trùm lên các công ty trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa khi chỉ có 37% số ý kiến khẳng định không có sự điều chỉnh trong hoạt động kinh doanh.

Trong lĩnh vực lắp ráp, 26% số người tham gia khảo sát cho biết đã trì hoãn các dự án đầu tư và 16% buộc phải tăng giá sản phẩm.

[Phát súng đầu tiên của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung]

Người đứng đầu nhóm thực hiện báo cáo trên, bà Sara Rutledge, cho hay thị trường lao động tại Mỹ đang cạnh tranh trong khi nhu cầu đối với lao động tay nghề cao đã khiến các nhà tuyển dụng lao động có chính sách thu hút tài năng như tăng tiền lương, tăng cường đào tạo.

Khảo sát còn chỉ ra rằng đã có dấu hiệu của việc giá cả tăng. Điều này cho thấy chính sách áp thuế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump đã có tác động đến nền kinh tế, buộc các nhà sản xuất tăng giá sản phẩm, dẫn tới lạm phát tăng.

Thống kê chỉ rõ chỉ số giá tiêu dùng đạt mức kỷ lục trong vòng 12 năm qua. Các chuyên gia kinh tế nhận định điều này có thể củng cố đà tăng ổn định của lạm phát sau khi nền kinh tế Mỹ trải qua 10 năm để phục hồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục