Ngày 1/7, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani tuyên bố nước này sẽ bác bỏ một loạt yêu cầu của các quốc gia Arab, song khẳng định Doha sẵn sàng đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay.
Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Rome của Italy sau chuyến thăm Mỹ, ông al-Thani nhấn mạnh "tối hậu thư" của các nước Arab và vùng Vịnh không nhằm mục đích giải quyết chủ nghĩa khủng bố, mà là xâm phạm chủ quyền của Qatar.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Qatar cho biết Doha sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận những yêu cầu và quan ngại của các nước láng giềng.
Ông al-Thani nêu rõ: "Danh sách các đòi hỏi đó sẽ không được chấp thuận. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại nhưng phải theo các điều kiện hợp lý."
Tuyên bố trên của Ngoại trưởng al-Thani được đưa ra chỉ một ngày trước "hạn chót" mà Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đặt ra để Doha phải chấp thuận bản yêu sách gồm 13 điểm (kết thúc ngày 2/7).
Bản yêu sách bao gồm việc đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.
Ngoại trưởng Qatar nói thêm rằng nước này sẽ không đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera theo như yêu cầu của các nước Arab vùng Vịnh.
[Qatar tìm kiếm sự ủng hộ của các nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc]
Trong khi đó, các quốc gia Arab và vùng Vịnh tuyên bố các yêu cầu của họ không thể đàm phán, đồng thời cảnh báo các nước này sẽ cân nhắc những biện pháp trừng phạt tiếp theo nếu Qatar không tuân thủ. Hiện Mỹ vẫn đang hỗ trợ Kuwait trong các nỗ lực hòa giải nhằm giải giải quyết bất đồng giữa Qatar và các nước Arab.
Cùng ngày 1/7, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với lãnh đạo Qatar và Bahrain về căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng cần thiết phải thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này./.