Trong phiên sáng ngày 9/5, tại thị trường châu Á, vàng vững giá do tình hình căng thẳng địa chính trị ở Ukraine, cùng với việc các nhà đầu tư đang theo dõi dòng chảy của vàng khỏi các quỹ giao dịch và nhu cầu về vàng vật chất ở châu Á.
Vào lúc 7 giờ 22 phút (giờ Việt Nam), trên Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá vàng giao ngay không đổi đứng ở mức 1.288,51 USD/ounce. Kim loại quý này đã giảm 0,9% trong tuần này, tuần giảm thứ hai liên tiếp.
Giá vàng nhận được sự hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở Ukraine khi các tay súng ly khai tại miền Đông Ukraine phớt lờ lời kêu gọi của Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan tới việc không tiến hành cuộc trung cầu dân ý về nền độc lập - động thái có thể dẫn tới chiến tranh.
Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất tại châu Á khá yên ắng trong vài tuần gần đây và các nhà đầu tư hy vọng giá vàng xuống thấp sẽ thu hút người tiêu dùng, nhất là ở Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới.
Đêm trước (8/5), tại thị trường Mỹ, giá vàng nhích nhẹ sau khi giảm hơn 1% trong phiên 7/5 trong bối cảnh các nhà đầu tư thận trọng hơn trước lời bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen rằng ngân hàng này sẽ không vội vàng thu hẹp quy mô của chương trình nới lỏng định lượng.
Trên Sàn COMEX chốt phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.290,11 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn tháng 6/2014 giảm 1,2 USD xuống 1.287,70 USD/ounce, với khối lượng giao dịch bằng với mức trung bình của 30 ngày qua.
Giá kim loại quý này chịu sức ép bởi hoạt động mua bán mang tính kỹ thuật và đồng USD tăng giá sau khi bình luận của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) rằng ECB có thể hành động để ngăn lạm phát tại cuộc họp trong tháng tới đã kiềm giá đồng euro.
James Steel, chuyên gia phân tích thuộc HSBC, nhận định “việc giá vàng không có khả năng vượt trên mức giao dịch trung bình của 50 ngày qua là 1.315 USD/ounce có thể khiến các nhà đầu tư bán ra chốt lời”./.