Căng thẳng tại Trung Đông: Israel tấn công cửa khẩu biên giới Liban-Syria

Trên nền tảng truyền thông xã hội X, ông Grandi cho biết: "Một cuộc không kích mới của Israel đã nhằm vào cửa khẩu Jousieh, nơi nhiều người Liban sơ tán sang Syria để lánh nạn."

Cửa khẩu Jousieh bị Israel tấn công. (Nguồn: AFP)
Cửa khẩu Jousieh bị Israel tấn công. (Nguồn: AFP)

Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi cho biết ngày 2/11, Israel đã oanh kích cửa khẩu biên giới Jousieh giữa Liban và Syria, tuyến đường thoát hiểm quan trọng cho những người sơ tán khỏi cuộc xung đột hiện nay sau khi cửa khẩu biên giới chính giữa hai nước bị tấn công.

Trên nền tảng truyền thông xã hội X, ông Grandi cho biết: "Một cuộc không kích mới của Israel đã nhằm vào cửa khẩu Jousieh, nơi nhiều người Liban sơ tán sang Syria để lánh nạn."

Ông cho biết thêm rằng "ngay cả việc chạy trốn và chăm sóc những người chạy trốn cũng trở nên khó khăn và nguy hiểm khi xung đột tiếp tục lan rộng."

Cuộc oanh kích mới diễn ra sau khi cửa khẩu chính Masnaa giữa Liban và Syria buộc phải đóng cửa do cuộc không kích của Israel ngày 4/10.

Có 6 cửa khẩu chính thức giữa hai nước và một số tuyến đường không chính thức qua biên giới giữa Liban và Syria. Israel nhiều lần cáo buộc phong trào Hồi giáo Hezbollah vận chuyển vũ khí từ Syria đến Liban qua các cửa khẩu này.

Trong diễn biến khác, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết ngày 2/11 đã xảy ra cuộc tấn công vào trung tâm tiêm chủng bại liệt Sheikh Radwan ở phía Bắc Gaza khi các bậc phụ huynh đang đưa con em mình đến tiêm phòng, khiến 6 người bị thương, trong đó có 4 trẻ em.

WHO vừa khởi động lại đợt tiêm chủng thứ 2 ở phía Bắc Gaza vào ngày 2/11, sau khi buộc phải tạm dừng một thời gian vì xung đột leo thang.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trung tâm y tế này "nằm trong khu vực đã nhất trí ngừng bắn nhân đạo để cho phép tiến hành tiêm chủng.”

Ông Ghebreyesus nhấn mạnh: "Cuộc tấn công trong thời gian ngừng bắn nhân đạo gây nguy hiểm cho nỗ lực bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và có thể ngăn cản cha mẹ đưa con đi tiêm phòng."

Ông không nêu rõ bên nào đã thực hiện cuộc tấn công, song phía Israel đã bác bỏ một nguồn tin từ Gaza rằng một trong những thiết bị bay không người lái của họ đã bắn tên lửa vào trung tâm này. Quân đội Israel (IDF) ra tuyên bố khẳng định: “IDF không tấn công vào khu vực này vào thời điểm đó."

Chiến dịch tiêm chủng bắt đầu vào ngày 1/9, sau khi Gaza xác nhận trường hợp bại liệt đầu tiên sau 25 năm. Đợt tiêm phòng đầu tiên đã được thực hiện thành công.

WHO cho biết khoảng 119.000 trẻ em ở phía Bắc Gaza đang chờ tiêm mũi thứ hai, trong khi 452.000 trẻ đã được tiêm vaccine ở miền Trung và Nam Gaza.

Virus bại liệt có khả năng lây nhiễm cao, thường lây lan qua nước thải và nước bị ô nhiễm, có thể gây dị tật và tê liệt, và gây tử vong, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục