Ngày 8/8, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã rút lại đơn khiếu nại Qatar mà nước này nộp lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi đầu năm. Đơn khiếu nại của UAE được đưa ra sau khi Qatar áp đặt các hạn chế thương mại mang tính phân biệt đối với hàng hóa của UAE.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao UAE cho biết nước này đã dừng khiếu nại Qatar tại WTO, do phía Doha đã rút lại các biện pháp hạn chế mà họ từng áp đặt. Đơn khiếu nại của UAE đã được chuyển tới Ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO hồi tháng 5 vừa qua. Hiện chính quyền Doha chưa có phản ứng gì về quyết định mới của UAE.
Trước đó, UAE đệ đơn khiếu nại Qatar lên WTO sau khi Qatar ban hành lệnh cấm hàng hóa có nguồn gốc từ UAE, khiến mối quan hệ vốn không "xuôi chèo mát mái" giữa hai quốc gia láng giềng vùng Vịnh lại càng thêm căng thẳng.
[Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh: Jordan bổ nhiệm tân đại sứ tại Qatar]
UAE đã cáo buộc Qatar "vi phạm trắng trợn" các quy tắc, luật lệ của WTO, sau khi Doha khiếu nại lên WTO nhằm phản đối các hoạt động tẩy chay thương mại của UAE, Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập từ tháng 6/2017.
Căng thẳng ngoại giao đã kéo dài kể từ tháng 6/2017 khi Saudi Arabia và các đồng minh gồm UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của những nước láng giềng và hậu thuẫn các nhóm phá hoại ổn định chính trị.
4 nước Arab nói trên đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng cửa khẩu biên giới trên bộ, đóng cửa không phận đối với máy bay của Qatar, trục xuất công dân nước này. Phía Doha luôn bác bỏ những cáo buộc nói trên, đồng thời cho rằng các nước láng giềng Arab muốn xâm phạm chủ quyền của Qatar.
Trước cuộc khủng hoảng ngoại giao này, Qatar - quốc gia vốn dựa vào nguồn thực phẩm nhập khẩu từ các nước láng giềng ở vùng Vịnh - đã phải tìm cách nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc và Iran. Nhiều hàng hóa nhập khẩu đã vào Qatar qua các cảng biển của Kuwait và Oman./.