Căng thẳng ngoại giao giữa Đức và Maroc liên quan vấn đề Tây Sahara

Bộ Ngoại giao Maroc cho biết mong muốn duy trì quan hệ với Đức song không hài lòng với việc Đức chỉ trích cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận chủ quyền của Maroc với Tây Sahara.
Bộ trưởng Hợp tác Đức Gerd Mueller (phải) và Đại sứ Maroc tại Đức Zohour Alaoui. (Ảnh: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, chính phủ Đức ngày 3/3 thông báo đã triệu Đại sứ Maroc tại Berlin tới để tiến hành các cuộc trao đổi "khẩn cấp" sau khi Rabat tuyên bố đình chỉ mọi tiếp xúc với Đại sứ quán Đức ở nước này.

Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Christofer Burger nhấn mạnh Đức đã triệu Đại sứ Maroc tới trụ sở Bộ Ngoại giao để trao đổi khẩn cấp, làm rõ rõ các vấn đề ở Maroc.

Ông nhấn mạnh, từ quan điểm của Berlin, không có lý do hạn chế quan hệ ngoại giao tốt đẹp song phương. Đức và Maroc đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều thập kỷ vì lợi ích của cả hai dân tộc.

Người phát ngôn cũng khẳng định Đức không thay đổi quan điểm trong chính sách đối với Maroc.

Trước đó ngày 1/3, Rabat thông báo ngừng mọi tiếp xúc với Đại sứ quán Đức và các tổ chức văn hóa của Đức do một số bất đồng về những vấn đề then chốt, trong đó có quy chế Tây Sahara.

[Nga và Algeria cảnh báo nguy cơ xung đột liên quan đến Tây Sahara]

Trong bức thư gửi Thủ tướng Maroc và được truyền thông nước này công bố, Ngoại trưởng Maroc Nasser Bourita cho biết quyết định của Rabat là nhằm phản ứng với những "hiểu lầm sâu sắc" về những vấn đề cơ bản của Maroc.

Theo một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Maroc, nước này mong muốn duy trì quan hệ với Đức, song việc phải đưa ra phản ứng trên là hình thức cảnh báo thể hiện sự không hài lòng trong nhiều vấn đề, trong đó có việc Đức chỉ trích việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận chủ quyền của Maroc với Tây Sahara để đổi lại việc Rabat bình thường hóa quan hệ với Israel.

Bên cạnh đó là việc Rabat không được mời tham dự hội nghị ở Berlin bàn về tương lai chính trị Libya hồi tháng 1/2020. Maroc cho rằng chủ quyền đối với vùng Tây Sahara là không thể đàm phán, bất chấp việc Mặt trận Polisario do Algeria hậu thuẫn kiên trì tìm kiếm độc lập cho khu vực này.

Sau khi Maroc và Israel bình thường hóa quan hệ do Mỹ làm trung gian, Chính phủ Đức đã ra tuyên bố hoan nghênh động thái này, nhưng cũng nêu rõ lập trường của Berlin về cuộc xung đột ở Tây Sahara là "không thay đổi."

Berlin kêu gọi một "giải pháp chính trị mà tất cả các bên đều có thể chấp nhận." Theo Bộ Ngoại giao Đức, nước này có quan hệ "truyền thống gần gũi, thân thiện và không có căng thẳng với Maroc."

Hai nước cũng có quan hệ kinh tế và thương mại mạnh mẽ, trong đó Đức viện trợ tài chính đáng kể cho quốc gia Bắc Phi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục