Một tháng đã trôi qua kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu bùng nổ, cả Nga và Ukraine dường như đều chịu những tổn thất nặng nề.
Theo thống kê, có khoảng 10 triệu người Ukraine đã phải di dời khỏi nơi ở của mình và đối với châu Âu, làn sóng tị nạn mới chỉ là phép thử đầu tiên.
Nhìn từ góc độ vĩ mô, tác động toàn cầu của căng thẳng Nga-Ukraine là Ukraine bị thiệt hại, Nga bị trừng phạt và trật tự thế giới bị phá hủy.
Toàn cầu hóa đã trở thành một loại vũ khí. Toàn cầu hóa vốn đã làm cho thế giới trở thành một “ngôi làng” toàn cầu, nhưng hiện nay, do toàn cầu hóa, thế giới lại đang chứng kiến một cuộc xung đột trực diện giữa “sự vũ khí hóa đồng USD” và “sự vũ khí hóa hàng hóa.”
Ngay từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những lo ngại về “phi toàn cầu hóa” đã bắt đầu xuất hiện.
Sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016, bóng ma “phi toàn cầu hóa” lại nổi lên và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã làm gia tăng xu hướng phi toàn cầu hóa.
Tiếp đó, đại dịch COVID-19 bất ngờ hoành hành khắp thế giới trong hơn hai năm qua, tác động rất lớn vào xu hướng phi toàn cầu hóa, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại về triển vọng của toàn cầu hóa kinh tế.
[Tổng thống Zelensky: Nga và Ukraine đã gần đạt được các thỏa thuận]
Cuối cùng, căng thẳng Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt toàn diện mà phương Tây áp đặt lên Nga đã trở thành một phép thử mạnh cho xu hướng phi toàn cầu hóa quy mô lớn.
Trong một bức thư gửi các cổ đông của BlackRock, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của BlackRock Larry Fink, tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã viết: “Căng thẳng Nga-Ukraine đã chấm dứt quá trình toàn cầu hóa mà chúng ta đã trải qua trong 30 năm qua.”
“Vũ khí hóa đồng USD” đã trở nên phổ biến
Sau khi căng thẳng Nga-Ukraine xảy ra, phương Tây tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đưa ra một gói trừng phạt kinh tế chưa từng có. Có hai động thái chí mạng nhất.
Đầu tiên là việc phương Tây lần đầu tiên cấm một số ngân hàng Nga truy cập hệ thống thanh toán quốc tế của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), qua đó khiến hệ thống tài chính Nga mất kết nối với hệ thống tài chính quốc tế.
Thứ hai là việc đóng băng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) ở các nước phương Tây. Đồng thời, Mỹ cũng đang thảo luận về khả năng đóng băng trữ lượng vàng trị giá 132 tỷ USD của Nga. Lần này, “vũ khí hóa đồng USD” diễn ra ở mức cao nhất.
Sở dĩ đồng USD có quyền bá chủ là vì đồng tiền này vẫn là đồng tiền dự trữ và là đồng tiền thanh toán thương mại quan trọng nhất trên thế giới.
Ít nhất một nửa giao dịch thương mại xuyên biên giới trên toàn cầu được thanh toán bằng đồng USD. Đồng bạc xanh là đồng tiền được các ngân hàng trung ương và thị trường vốn lựa chọn, chiếm khoảng 2/3 lượng phát hành chứng khoán và dự trữ ngoại hối trên toàn thế giới.
Bất kỳ tổ chức tài chính nào cũng gần như không thể tham gia vào kinh tế toàn cầu nếu bỏ qua đồng đô la Mỹ và cơ sở hạ tầng để hệ thống tài chính quốc tế hoạt động vận hành ngày nay chịu ảnh hưởng rất lớn từ Mỹ.
Hầu hết các giao dịch quốc tế được thanh toán bù trừ bằng USD bởi các ngân hàng đại lý của Mỹ ở New York; SWIFT là hệ thống nhắn tin xuyên biên giới chính được các ngân hàng sử dụng, trong đó các thành viên của hệ thống này gửi cho nhau 30 triệu tin nhắn mỗi ngày.
Một mạng lưới tài chính khác cũng có Mỹ đóng vai trò trung tâm là Hệ thống thanh toán bù trừ Liên Ngân hàng Quốc tế (CHIPS) do Hiệp hội Thanh toán bù trừ New York điều hành, hệ thống này bù trừ các khoản thanh toàn trị giá xấp xỉ 1.500 tỷ USD mỗi ngày...
Những điểm này giúp Mỹ có được quyền xét xử ngoài lãnh thổ ở mức độ nhất định. Việc "vũ khí hóa đồng USD" có nghĩa là Mỹ dựa vào đồng đô la Mỹ, vốn là loại tiền tệ chính trong thanh toán quốc tế, để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia khác.
Mỹ đã nhiều lần sử dụng “quyền xét xử ngoài lãnh thổ” tiện dụng này. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Mỹ đã bắt đầu sử dụng biện pháp trừng phạt chính là cắt đứt các kênh trao đổi và sử dụng đồng USD, cấm các tổ chức tài chính toàn cầu giao dịch với các đối tượng bị trừng phạt.
Mỹ sử dụng hệ thống SWIFT và CHIPS để giám sát các hoạt động tài chính toàn cầu bất thường. Nếu bị loại khỏi hai hệ thống này, bất kỳ tổ chức nào cũng sẽ trở nên bị cô lập và cuối cùng là bị tê liệt.
Do đó, các cá nhân và tổ chức bên ngoài Mỹ cũng là đối tượng của “cánh tay nối dài” của Mỹ và có thể bị Mỹ trừng phạt.
Sau khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, ông đã đưa biện pháp vũ khí hóa tài chính lên một tầm cao mới, sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, Triều Tiên, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela và các quốc gia khác.
Trước đợt phong tỏa toàn diện hiện nay đối với Nga, trường hợp điển hình nhất của việc vũ khí hóa đồng USD là các lệnh trừng phạt Iran.
Mỹ đã ngăn các ngân hàng Iran truy cập hệ thống CHIPS (thông qua đó 95% giao dịch bằng USD toàn cầu được thanh toán bù trừ); Mỹ cũng trừng phạt bất kỳ tổ chức tài chính nào thực hiện giao dịch với Iran, trừ khi tổ chức đó không còn muốn tham gia giao dịch đồng USD toàn cầu.
Ngoài ra, chính quyền ông Trump còn quyết liệt theo đuổi các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nhắm vào các công ty ở các quốc gia có giao dịch với những quốc gia nằm trong danh sách đen.
Đóng băng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài cũng không phải là một thủ đoạn mới. Mỹ đã nhiều lần trực tiếp đóng băng dự trữ ngoại hối của các quốc gia khác. Sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã trực tiếp đóng băng một lượng lớn dự trữ ngoại hối của Iran.
Ngoài ra, tháng 8/2021, trong khi rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, chính quyền Biden cũng đã phong tỏa một lượng lớn tài sản bằng đồng USD tại Afghanistan.
Số tài sản này chắc chắn là “tiền tiết kiệm cả đời” đối với người dân Afghanistan, những người đã phải chịu đựng chiến tranh trong thời gian dài.
Mới đây, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ giữ một nửa lượng dự trữ ngoại hối bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Afghanistan tại Mỹ.
Một phép thử mạnh mẽ, toàn diện?
Việc đóng băng dự trữ ngoại hối của BoR ở nước ngoài đã khiến ngân hàng này không thể có được vị thế đồng đô la cần thiết trên thị trường ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá đồng ruble, khiến tỷ giá đồng tiền giảm mạnh, buộc BOR khẩn cấp nâng lãi suất lên mức hai chữ số, đồng thời khiến việc giao dịch bằng đồng đô la Mỹ của người dân Nga và dòng tiền vốn ra vào Nga bị hạn chế.
Tuy nhiên, Nga không phải là Iran hay Afghanistan, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố các giao dịch khí đốt tự nhiên với tất cả “các nước không thân thiện” sẽ được thực hiện bằng đồng ruble. Điều này đã giúp đồng ruble tăng giá mạnh và giá khí đốt tự nhiên tăng nhanh.
Động thái này có thể giúp Nga lách một số lệnh trừng phạt và thúc đẩy đồng nội tệ của mình, nhưng còn phải chờ xem biện pháp này sẽ có hiệu quả đến đâu. Đồng thời, động thái này cũng có thể làm tổn hại đến khả năng thanh toán của Nga, khiến nhập khẩu giảm sút và kinh tế trở nên khó khăn hơn.
Nhưng chắc chắn vũ khí trong tay Nga chính là năng lượng. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã loại trừ các ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính cho hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga.
Ví dụ Ngân hàng Tiết kiệm Liên bang Nga (Sberbank), ngân hàng lớn nhất của Nga, không nằm trong danh sách bị trừng phạt, vì phương Tây vẫn muốn Nga tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, và không muốn lặp lại hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ vùng Vịnh những năm 1970.
Tình hình ở Nga và Ukraine cũng gây ra những biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, khiến thị trường hàng hóa nói chung tăng giá mạnh. Giá cả nhiều mặt hàng khác nhau, bao gồm dầu thô, khí đốt tự nhiên, vàng, lúa mỳ, dầu cọ… đã đạt mức cao kỷ lục.
Đối với thị trường hàng hóa toàn cầu, xung đột Nga-Ukraine leo thang đang khiến nguồn cung càng trở nên khan hiếm hơn nữa. Đó chính là một con bài trong tay Nga.
Hiện nay, hãy xem nó như một cuộc đối đầu trực diện giữa quyền bá chủ đô la và quyền bá chủ hàng hóa. Kết quả của cuộc đối đầu này sẽ là một phép tính cho quá trình phi toàn cầu hóa trên phạm vi toàn thế giới. Đây không chỉ là một phép tính cho sự sụp đổ của nền kinh tế Nga, mà còn là một phép tính cho chính sự toàn cầu hóa.
Ba trụ cột của toàn cầu hóa sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc gồm một hệ thống tài chính toàn cầu hóa, một thị trường hàng hóa toàn cầu hóa, một mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu hóa đang phải đối mặt với những áp lực và thách thức chưa từng có.
Qua nhiều năm, những điểm yếu của hệ thống tài chính toàn cầu hóa đã được phơi bày từ lâu và việc liên tục lạm dụng quyền bá chủ đồng đô la Mỹ rõ ràng không phải là một chủ đề mới. Việc vũ khí hóa đồng đô la là hệ quả của cơ chế bất bình đẳng. Mỗi khi “cây gậy tài chính” được sử dụng để áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên các quốc gia khác, cần phải trải qua quy trình gì và tuân theo những quy tắc nào? Không hề có.
Những hành động này đã gây nên nhiều phản ứng tiêu cực. Các quốc gia khác nhau lo ngại rằng hệ thống tài chính toàn cầu thiếu sự bảo đảm an ninh tài sản, và việc “vũ khí hóa” tài sản dự trữ của các ngân hàng trung ương sẽ đe dọa sự ổn định kinh tế, tài chính khu vực và toàn cầu.
Trong dài hạn, việc Mỹ lạm dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đã khiến một số quốc gia phải phi đô la hóa. Về lâu dài, vị thế bá chủ của đồng đô la Mỹ như đồng tiền dự trữ của thế giới sẽ dần bị suy yếu.
Nhìn vào thị trường hàng hóa, việc trao đổi hàng hóa, tìm kiếm nguồn tài nguyên và mua bán trên toàn cầu là nền tảng của thị trường hàng hóa ổn định.
Do tính chất toàn cầu của việc mua bán hàng hóa số lượng lớn, sự không chắc chắn về cung và cầu có thể dễ dàng gây ra tác động lớn hơn đến nền kinh tế của một số nước.
Lần này, Nga tuyên bố sẽ áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hoặc ngừng xuất khẩu các sản phẩm mà thị trường thế giới phụ thuộc nhiều vào Nga, bao gồm phân bón, kim loại quý, kim loại công nghiệp, gỗ, lúa mỳ và đường.
Đại dịch COVID-19 kéo dài, cùng với những thay đổi trong cục diện địa-chính trị, đã khiến thị trường hàng hóa dao động mạnh, tác động tiêu cực lớn đến kinh tế toàn cầu, các biến động và tính không chắc chắn tăng cao.
Khi các nước cố gắng ổn định giá cả hàng hóa chắc chắn sẽ dẫn tới việc gia tăng các giao dịch hàng đổi hàng song phương, hoán đổi tiền tệ song phương và các biện pháp thanh toán bằng đồng nội tệ của các nước. Trên thực tế, điều này sẽ đẩy nhanh hơn nữa quá trình phi đô la hóa.
Khi quá trình phi toàn cầu hóa khiến thế giới ngày càng bị phân mảnh, nền tảng cho sự vận hành hiệu quả của các thị trường hàng hóa đang bị lung lay.
Trên thực tế, trước đó, các nước lớn đã lần lượt bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19, cộng với sự tắc nghẽn của mạng lưới giao thông quốc tế, đã có nhiều điểm đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tiếp đó, căng thẳng Nga-Ukraine có tác động lan tỏa nghiêm trọng, gây nên sự gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực, năng lượng, chất bán dẫn, ôtô và các sản phẩm khác, khiến nhiều quốc gia bị ảnh hưởng.
Với các cuộc xung đột khu vực và các lệnh trừng phạt của phương Tây, các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng trở nên mong manh hơn.
Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, khi mà đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, các xung đột địa chính trị tái xuất hiện và các chuỗi cung ứng toàn cầu trải qua những điều chỉnh mạnh mẽ. Nhiều dân thường đang phải trả giá đắt cho xung đột toàn cầu và mặt trái của toàn cầu hóa.
Hệ thống tài chính, thị trường hàng hóa và chuỗi cung ứng đan xen, ràng buộc và ảnh hưởng lẫn nhau. Hiệu ứng dây chuyền tiếp theo cần được quan sát cẩn thận.
Điều chắc chắn sẽ xảy ra là sự gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu thô sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lâu dài các sản phẩm khác nhau trên thế giới, lạm phát toàn cầu leo thang và một cuộc khủng hoảng kinh tế mới đang tiềm ẩn.
Kết quả tồi tệ nhất của phép thử phi toàn cầu hóa này là thế giới sẽ bị chia cắt thành hai thế giới đối đầu nhau, không kết nối với nhau như thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đã có một số dấu hiệu như vậy ở Nga. Các công ty đa quốc gia của Mỹ và châu Âu đã hưởng ứng các lệnh trừng phạt. British Petroleum, Shell, Exxon Mobil cùng các tập đoàn khác đã rút cổ phần của họ trong các công ty dầu khí của Nga.
Boeing, Airbus, Mastercard, Visa, Microsoft, IBM, Apple, Intel, Google, Twitter, Facebook, Warner Bros và Disney đều đã rút khỏi Nga. Về phần mình, Nga đã áp dụng các biện pháp đáp trả cứng rắn.
Phía Nga đã công bố danh sách hơn 200 sản phẩm bị cấm xuất khẩu, bao gồm sản phẩm trong các lĩnh vực công nghệ, viễn thông, thiết bị y tế, giao thông vận tải, máy móc nông nghiệp....
Nga cũng đưa 48 quốc gia và khu vực vào danh sách các quốc gia (khu vực) không thân thiện, hủy bỏ các khoảng phí độc quyền, hoàn trả các khoản vay bằng đồng ruble và cấm xuất khẩu lương thực cho những nước này.
Nga đã đưa 59 hãng nước ngoài, bao gồm Apple, Volkswagen, IKEA, Microsoft, IBM, Shell, McDonald's, Porsche, Toyota, H&M… vào danh sách đen. Các tập đoàn này đối mặt với khả năng bị tịch thu và quốc hữu hóa tài sản, có ban quản lý bên ngoài vào tiếp quản.
“Phi toàn cầu hóa” là việc khó có thể tránh khỏi?
Ngày càng nhiều chuyên gia chỉ ra rằng căng thẳng Nga-Ukraine có thể là bước ngoặt trong sự phát triển của trật tự thế giới. Nhìn lại sự phát triển của toàn cầu hóa kể từ thời hiện đại, Vương quốc Anh đã thống trị chu kỳ toàn cầu hóa đầu tiên sau Cách mạng công nghiệp.
Thời đại động cơ hơi nước ra đời đã tạo ra rất nhiều của cải vật chất, việc sử dụng rộng rãi tàu hơi nước và đường sắt đã thúc đẩy nhanh chóng dòng chảy thương mại của những của cải vật chất này.
Chiến tranh thế giới thứ hai đã chấm dứt hoàn toàn sự thống trị của Anh, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Đức cũng bị tiêu diệt, thế giới bước vào một hệ thống do Mỹ thống trị.
Trong công nghiệp, với việc sử dụng rộng rãi động cơ xăng và diesel, hiệu quả của thương mại và vận tải đã được nâng cao hơn nữa. Sau đó là kỷ nguyên Internet, chi phí liên lạc toàn chỉ còn gần bằng 0.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ giao thông vận tải và thông tin liên lạc đã tạo ra những điều kiện vật chất kỹ thuật cần thiết để hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu mà ngày nay chúng ta đã quen thuộc.
Trật tự toàn cầu hóa sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc có vẻ là một trật tự mở và bao trùm, nhưng lại tồn tại nhiều mâu thuẫn nội tại.
Chủ nghĩa tân tự do không thể cứu vãn trật tự tư bản chủ nghĩa và trong thời kỳ toàn cầu hoá hậu Chiến tranh lạnh, Mỹ chỉ nhấn mạnh việc mở cửa thị trường và thương mại tự do.
Điều này làm hình thành kẻ thắng - người thua rõ rệt trong quá trình phát triển của toàn cầu hoá, cũng như nhiều vấn đề khác như khoảng cách giàu-nghèo ngày càng tăng, chủ nghĩa dân tuý, sự chia rẽ trong dư luận quốc tế.
Với sự phát triển sâu rộng của toàn cầu hóa, khoảng cách phát triển giữa các quốc gia ngày càng lớn, đặc biệt là vấn đề bất bình đẳng và mâu thuẫn ở các nước phát triển ngày càng trở nên nổi cộm.
Những nhân vật dân tuý cánh hữu đại diện cho lợi ích của giới công nhân, nông dân và những người chịu bất lợi ở thành thị cho rằng toàn cầu hoá đã dẫn đến thương mại không công bằng, đến lượt điều này lại khiến việc phân phối thu nhập tbất công hơn và làm tăng sự chia rẽ trong xã hội.
Đáp lại, họ đề cao sức mạnh tối thượng của quốc gia, bản sắc, phản đối các hiệp định thương mại tự do, phản đối nhập cư… từ đó tạo ra một làn sóng tư tưởng chống toàn cầu hóa khác.
Những nước trước kia đi đầu trong việc toàn cầu hóa gồm Mỹ, Anh và các nước tư bản cạnh tranh tự do khác đã trở thành những bên khởi xướng một chu kỳ phi toàn cầu hóa mới.
Trên thực tế, điều mà ai cũng biết trong lòng nhưng không muốn nói ra là, lý do khiến Mỹ trở thành người đi đầu cho quá trình “phi toàn cầu hóa” là vì nước này đã tương đối sa sút.
Ban đầu là một trung tâm sản xuất và đổi mới công nghệ tiên tiến, sau đó chuyển dần các ngành công nghiệp sang các nước đang phát triển dưới hình thức xuất khẩu tư bản, Mỹ ngày càng giống một người sống bằng lợi tức, dựa vào ngành tài chính, tiêu dùng quá mức và nợ nần chồng chất, do đó đã lập nên hàng loạt các mệnh lệnh tài chính, quân sự và các mệnh lệnh quốc tế khác có lợi cho mình.
Tất cả đều được tính bằng đồng USD, kể cả các thiệt hại. Quá trình này mang lại lợi ích về mặt kinh tế, nhưng cũng sẽ dẫn đến sự suy giảm của cơ sở bá quyền về mặt cạnh tranh, an ninh và chính trị. Sự phân hóa không bền vững giữa những yếu tố này chắc chắn sẽ dẫn đến sự thay đổi cục diện kinh tế, chính trị toàn cầu.
Khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng nổ, Mỹ càng sử dụng những phương tiện cực đoan nhất để phô trương sức mạnh và phát huy tối đa việc “vũ khí hóa đồng USD,” thì điều đó càng nói với thế giới rằng họ không thể tin tưởng đồng đô la cũng như hệ thống toàn cầu hóa hiện nay. Xung đột địa chính trị có thể là nỗi đau, cọ xát và hỗn loạn mà sự điều chỉnh giữa trật tự cũ và mới mang lại.
Trên thực tế, mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế quốc tế hoặc quyền bá chủ của đồng USD luôn là chính đồng USD (hoặc nước Mỹ).
Căn cứ vào sự phát triển của hệ thống tiền tệ quốc tế từ trước đến nay, có thể thấy vị thế của đồng USD phải đối mặt với ba mối đe dọa lớn:
Thứ nhất là chính sách đối ngoại biệt lập hoặc đơn phương do không thể cải cách các mâu thuẫn kinh tế trong nước, sự chia rẽ xã hội và phân cực chính trị ở Mỹ.
Thứ hai là việc “vũ khí hóa” đồng USD.
Thứ ba là tính độc lập trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày càng suy giảm, dẫn đến việc chuẩn hóa hoặc kéo dài không giới hạn việc nới lỏng định lượng.
Hiện tại, địa vị và vai trò của Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã thay đổi từ “người cho vay cuối cùng” thành “người kiến tạo thị trường cuối cùng.”
Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ đã chuyển từ “kiếm tiền” trước những năm 1970 sang “vay tiền” sau những năm 1980 và tiếp tục phát triển thành “in tiền” từ năm 2008.
Từ góc nhìn này, hệ thống đồng USD ngày càng tích tụ nhiều mâu thuẫn và vấn đề, có thể gây ra những cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn. Một khi quá trình này bắt đầu, khó có thể đảo ngược nó.
Tình hình ở Nga và Ukraine có vẻ là bất ngờ, nhưng lại có một lịch sử tất yếu. Chúng ta đang ở giữa một chu kỳ kéo dài cả thế kỷ. Những hiện tượng như phân cực giàu nghèo, chủ nghĩa dân túy, phi toàn cầu hóa, xung đột địa chính trị, tái thiết trật tự quốc tế đều là những hiện tượng không thể tránh khỏi trong chu kỳ kinh tế và xã hội hiện nay.
Tất cả các sự kiện trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều có tính quy luật vốn có, không phải là những sự kiện ngẫu nhiên. Mặc dù “phi toàn cầu hóa” vẫn chưa phải là trọng tâm trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng sự suy giảm tương đối của Mỹ đã thực sự là điểm rõ nét.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, hệ thống toàn cầu hóa đã tập trung vào Mỹ, trật tự tài chính toàn cầu đã tập trung vào đồng USD, và hiện nay hệ thống kinh tế thế giới với chủ nghĩa tư bản là cốt lõi đang đứng ở ngã ba đường. Trong bối cảnh đó, căng thẳng Nga-Ukraine có thể là sự tan rã của chu kỳ và trật tự cũ, mở ra một chu kỳ và trật tự mới./.