Theo AFP và AP, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Moskva sẽ bổ sung thêm vào danh sách các quan chức châu Âu bị cấm nhập cảnh vào Nga nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) xung quanh vụ đầu độc chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny.
Hãng tin AFP cho biết Moskva đã triệu tập một số nhà ngoại giao cấp cao của EU trước khi công bố các lệnh cấm nhập cảnh mới để đáp trả cái mà họ gọi là những lệnh trừng phạt “mang tính đối đầu” mà khối này đã áp đặt từ tháng 10/2020.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva “đã quyết định nối dài danh sách các đại diện của các nhà nước thành viên và các thể chế của EU bị cấm nhập cảnh vào Nga.”
Theo hãng tin AP, động thái này diễn ra một ngày sau khi Navalny, một đối thủ lâu năm của Tổng thống Vladimir Putin, đăng tải đoạn ghi âm một cuộc trao đổi điện thoại với một người mà ông nói là mật vụ an ninh nhà nước - người được truyền thông xác nhận là thành viên của một đội ngũ đã theo dõi chính trị gia này trong nhiều năm.
Trong đoạn ghi âm, người đàn ông đã xác nhận mình có liên quan đến việc che đậy vụ đầu độc và tiết lộ một số chi tiết của vụ việc.
AFP cho biết trong đoạn băng ghi lại cuộc đối thoại mà Navalny đăng tải, người được cho là mật vụ này cho biết hồi tháng 8/2020, các mật vụ đã tẩm thuốc độc vào đồ lót của Navalny.
Đoạn phim này sau đó đã ghi nhận 13 triệu lượt xem chỉ trong vòng 24 giờ.
Người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin ngày 22/12 đã mô tả Navalny là một người đàn ông “bệnh hoạn” đang trải qua “những ảo giác rằng mình bị ngược đãi” và cũng thể hiện những “dấu hiệu của bệnh mất trí.”
Trước đó, tháng 10/2020, EU đã áp đặt trừng phạt với 6 quan chức Nga và 1 viện nghiên cứu của nhà nước Nga có liên quan đến cái mà giới chức Đức gọi là "một vụ đầu đầu bằng chất độc thần kinh" tại Nga.
Bộ Ngoại giao Nga không công khai tên của các quan chức EU và số lượng chính xác những người sẽ bị cấm vào Nga. Tuy nhiên, bộ này có nói rằng danh sách bao gồm “những người có trách nhiệm trong việc xúc tiến các ý tưởng trừng phạt chống lại Nga” trong khối 27 nước thành viên này.
Bộ này cũng cho biết thêm rằng các phái đoàn ngoại giao của 3 nước Đức, Pháp và Thụy Điển cùng với phái đoàn của EU tại Nga đã được thông báo về các biện pháp đáp trả này.
Một “thảm họa Chernobyl phiên bản chính trị”
Theo AP, tuần trước, một cuộc điều tra chung của nhóm nghiên cứu Bellingcat và một số hãng truyền thông đã kết luận rằng các mật vụ của cơ quan an ninh nội địa Nga là Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) đã theo dõi Navalny trong mọi hành trình của ông kể từ năm 2017.
Cuộc điều tra cho biết các mật vụ này được đào tạo chuyên sâu về vũ khí hóa học, hóa chất và y khoa, và một vài trong số họ có mặt gần nơi Navalny xuất hiện trong khoảng thời gian ông bị đầu độc.
Ivan Zhdanov, người đứng đầu Quỹ Chống Tham nhũng của Navalny, nói với AFP rằng các đồng minh của Navalny đã lên kế hoạch chính thức đệ trình một đơn kiện FSB vào ngày 22/12.
Về phần mình, Navalny - người đang được điều trị tại Đức - cho biết báo cáo trên đã chứng tỏ rằng các mật vụ FSB đã cố gắng sát hại ông theo mệnh lệnh của Tổng thống Putin.
[Nga: FSB bác các thông tin giả mà chính trị gia đối lập Navalny đưa ra]
Phía FSB khẳng định cuộc điện đàm này là “giả mạo” và nói sẽ không thể có một cuộc điện đàm như thế nếu không có sự hỗ trợ của các nhân viên tình báo nước ngoài.
Tuần trước, Putin đã bác bỏ những thông tin cho rằng FSB đầu độc Navalny, đồng thời nói rằng nếu các nhân viên an ninh muốn đầu độc chính trị gia đối lập thì “họ sẽ phải làm đến cùng.”
Giới chức Nga cũng đã nhiều lần phủ nhận mọi liên quan đến vụ việc. Tuần trước, Putin cáo buộc rằng cuộc điều tra nói trên dựa trên các số liệu do các cơ quan tình báo Mỹ cung cấp, đồng thời cũng phủ nhận mọi cáo buộc liên quan.
Cựu điệp viên Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) còn ca ngợi các điệp viên “dũng cảm” của Nga và cảm ơn họ vì đã bảo vệ đất nước khỏi những “mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài.”
Hãng tin AFP dẫn nhận định của giới quan sát cho biết rất khó để đánh giá mức độ ảnh hưởng mà vụ Navalny gây ra.
Trên tờ báo đối lập Novaya Gazeta của Nga, nhà bình luận nổi tiếng Yulia Latynina so sánh vụ việc với thảm họa nguyên tử năm 1986 tại Ukraine khi đó thuộc Liên Xô: “Đây là một thảm họa Chernoby phiên bản chính trị. Sau sự kiện này, hệ thống sẽ không thể tồn tại ở định dạng hiện nay.”
Theo AFP, một số nhà phân tích nói rằng các tuyên bố của Navalny đang làm dấy lên những nghi vấn mới về độ chuyên nghiệp của các cơ quan an ninh Nga.
Wolfgang Ischinger, Chủ tịch Hội đồng An ninh Munich, mỉa mai: “Tình báo 101 luôn gọi đi chứ không bao giờ nhận điện thoại từ bất kỳ ai mà họ không biết. Họ không được dạy về điều này trong trường đào tạo của FSB.”
Các lệnh trừng phạt “phi lý”
Các động thái đáp trả trừng phạt của Nga được công bố sau khi Moskva triệp tập các nhà ngoại giao của Đức, Pháp và Thụy Điển, ba nước có các phòng thí nghiệm đã đưa ra những tuyên bố rằng Navalny bị đầu độc bằng loại thuốc độc Novichok.
Các phát hiện này đã kéo theo những lệnh trừng phạt của EU nhằm vào một số quan chức Nga, bao gồm cả người đứng đầu FSB.
Hãng tin AFP dẫn lời một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh rằng các biện pháp đáp trả trừng phạt này của Nga là “phi lý.”
Nguồn tin này nói: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga làm sáng tỏ việc sử dụng một loại vũ khí hóa học để đầu độc một công dân Nga ngay trên lãnh thổ Nga. Nga chưa hề thể hiện rằng họ sẵn sàng làm điều này.”
Navalny đã ngất xỉu trên một chuyến bay từ Siberia tới Moskva hồi tháng 8/2020 và nhập viện tại Omsk trước khi được chuyển đến Berlin điều trị.
Người đàn ông được Navalny khẳng định là một điệp viên FSB nói trong đoạn phim rằng các nhân viên an ninh đã không ngờ rằng phi công trên chuyến bay đó lại hạ cánh khẩn cấp xuống Omsk.
Ông cho biết nếu chuyến bay tiếp tục thì có lẽ Navalny đã không qua khỏi./.