Tiến sỹ Grenville, cộng tác viên của Học viện nghiên cứu chính sách Lowy ở Australia, vừa có bài viết phân tích về tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bài viết này được đăng trên trang nghiên cứu The Interpreter. Nội dung như sau:
Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan và những tuyên bố gay gắt của Tổng thống Mỹ Donald Trump về các hoạt động kinh tế “không công bằng” và đánh cắp sở hữu trí tuệ tràn ngập trên các mặt báo, người ta dường như nghĩ ngay đến cách hành xử kinh tế của Trung Quốc, chứ không phải sự cạnh tranh quyền lực “kiểu cũ." Tuy nhiên nếu phân tích kỹ, chúng ta sẽ có một cái nhìn hoàn toàn khác. Chúng ta cần tìm hiểu hai nền kinh tế này khác biệt và không tương thích với nhau như thế nào.
Hãy bắt đầu với “Cuộc hành trình về phía Nam” của Đặng Tiểu Bình vào năm 1992. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc được dẫn dắt bởi các lực lượng thị trường. Nếu không có sự dẫn dắt này, Trung Quốc không thể đạt được tăng trưởng ngoạn mục trong suốt nhiều thập kỷ và tạo ra nhiều tỷ phú hàng đầu thế giới.
Thay vào đó, quốc gia này sẽ bị đè nén bởi sự thiếu hiệu quả của một nền kinh tế kế hoạch hóa. Trung Quốc ngày nay là một nền kinh tế hỗn hợp, với 2/3 sản lượng được tạo ra bởi kinh tế tư nhân.
Trung Quốc có chính sách công nghiệp “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”.
Mỹ có cam kết hạ cánh xuống mặt trăng của Tổng thống John F.Kennedy trong những thập niên 1960 của thế kỷ trước và hiện nay ông Trump có kế hoạch của cố vấn Peter Navarro giúp nước Mỹ tự cung tự cấp các sản phẩm liên quan tới lĩnh vực an ninh.
Bất cứ ai nghi ngờ mức độ can thiệp của chính phủ Mỹ vào nền kinh tế đều có thể kiểm nghiệm phản ứng chính sách của nước này đối với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong hệ thống nhà nước Trung Quốc, Bắc Kinh trực tiếp chỉ đạo nền công nghiệp; còn trong mô hình kinh tế của Mỹ, ngành công nghiệp chi phối Washington thông qua “vận động hành lang” và gây áp lực chính trị. Sự tương tác này là khác nhau, nhưng cả hai quốc gia này đều có mối quan hệ cộng sinh giữa nhà nước và công nghiệp.
Về quy tắc, chiến lược phát triển của Trung Quốc không khác biệt so với các mô hình phát triển thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc... Tỷ giá hối đoái cạnh tranh và chính sách bảo hộ ngành công nghiệp nội địa từng được sử dụng để thiết lập một quy mô sản xuất khả thi, được hậu thuẫn bởi một ngành xuất khẩu mạnh. Singapore có thể được xem là một hình mẫu thu nhỏ của Trung Quốc. Vậy ai tranh chấp thành công hoặc tuyên bố không công bằng? Khi đó, cơ sở để ông Trump khiếu nại Trung Quốc phá vỡ quy luật kinh tế là gì? Cách lý giải đơn giản nhất là việc ông Trump hy vọng cuộc đấu tay đôi này có thể mang lại một thỏa thuận quốc tế tốt hơn cho nước Mỹ. Điều này liên quan tới việc nhắc lại tiến trình đàm phán lại NAFTA của ông với các thỏa thuận thương mại khác.
[Cuộc chiến thương mại là nguy cơ lớn đối với Trung Quốc và Mỹ]
Với Trung Quốc, Trump hy vọng nước này tăng nhập khẩu từ Mỹ, cho phép Mỹ đầu tư nhiều hơn và trả nhiều tiền hơn nữa cho các sản phẩm trí tuệ (Trung Quốc đã chi 26 tỷ USD trong năm 2017).
Tuy nhiên, ông Trump đã hiểu sai về lợi thế của thương mại đa phương và sự không liên quan của cán cân thương mại song phương. Tuy nhiên, mục tiêu của ông Trump đủ hợp lý: thiết lập lại các mối quan hệ thương mại của Mỹ với nhiều lợi thế hơn, thậm chí thu được một mức thuế quan bằng không.
Về điều này, ông Trump có thể thô bạo và cảm thấy bối rối hơn so với những nhà lãnh đạo tiền nhiệm, nhưng mục tiêu thì không mấy khác biệt. Mỗi đời tổng thống Mỹ đều cố gắng thay đổi các quy tắc để mang lại lợi thế cho Mỹ. Bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 cũng đều hướng tới mục đích bảo hộ.
Vì vậy, hành vi của ông Trump sẽ gây ra một số thiệt hại, chủ yếu là đối với Mỹ, nhưng cuộc chiến thuế quan không gây thiệt hại nhiều như những gì báo chí đưa tin. Nếu việc “chia tách” có nghĩa là trở lại thời kỳ cô lập Trung Quốc trước thời Tổng thống Nixon, thì rõ ràng đây sẽ là việc làm bất khả thi. Toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và có thể hoạt động trong điều kiện các quy tắc không hoàn hảo. Khi cuộc so găng giữa hai bên kết thúc, “các nguyên tắc cơ bản” của tự do thương mại và thị trường mở vẫn sẽ là một ý tưởng tuyệt vời, giúp mọi quốc gia cùng được hưởng lợi ích.
Mối nguy hiểm trong cách hành xử của ông Trump nằm ở chỗ làm lẫn lộn các vấn đề kinh tế với các vấn đề an ninh nghiêm trọng thực sự mà nên là trọng tâm của cuộc tranh luận. Chúng ta sẽ thấy sự hỗn loạn này trong cuộc thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ. Việc chèn ép thương mại tối đa để thu lợi từ quyền sở hữu trí tuệ là không tương thích với yêu cầu bảo mật để giữ bí mật. Công nghệ bảo mật quan trọng (bao gồm công nghệ lưỡng dụng) không phải là một phần của cuộc thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ. Nó phải được giữ bí mật, không được phép bán hay sao chép. Khi an ninh quốc gia bị lạm dụng để tạo lý do áp thuế nhôm, thép chống lại các đồng minh, thì sự nhầm lẫn này sẽ khiến nước Mỹ khó xác định chính xác các rủi ro an ninh thực sự, chẳng hạn như việc Trung Quốc đầu tư vào khu công nghệ cao ở Thung lung Silicon.
Trọng tâm của cuộc tranh luận về an ninh là con số học đơn giản nhưng khó chịu. Dân số Trung Quốc lớn gấp bốn lần dân số Mỹ. Ngay cả khi mức thu nhập trung bình tại Trung Quốc chỉ đạt một nửa so với Mỹ thì quốc gia này cũng sẽ có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn gấp đôi Mỹ.
Bên cạnh vấn đề GDP, khả năng quân sự của Trung Quốc sẽ còn thua xa Mỹ trong nhiều năm nữa, nhưng dù “dưới cơ”, Trung Quốc vẫn có thể chiếm giữ Biển Đông mà không có sự phản ứng khả thi nào từ các nước lớn khác. Đây không phải là vấn đề về kinh tế: nó đơn giản là vấn đề thực thi quyền lực một cách thô thiển.
Khả năng chi phối của Trung Quốc hầu như không thể ngăn cản: tăng trưởng gấp đôi so với Mỹ trong hơn một thập kỷ. Nỗ lực kìm hãm điều này thông qua việc “chia tách” không có nhiều ý nghĩa. Vấn đề quan trọng khi đó là ở ý đồ: Trung Quốc sẽ làm gì với sức mạnh đó? Đây là một vấn đề an ninh lỗi thời, giống như vụ đụng độ gần đây giữa Nga và Ukraine.
Để có một chính sách hợp lý đầu tiên phải phân biệt giữa an ninh và kinh tế, giữa mục tiêu và công cụ. Phản ứng trước mối đe dọa an ninh cũng có thể liên quan tới các công cụ kinh tế, chẳng hạn như trừng phạt thương mại. Tuy nhiên, hãy để vấn đề này tách biệt khỏi các chủ thể kinh tế nhạy cảm mà bao gồm một khuôn khổ thương mại đa phương với các thay đổi thương mại tối thiểu và các thể chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để toàn cầu hóa hoạt động vì lợi ích của tất cả các quốc gia./.