Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang trong kỷ nguyên COVID-19

Sau khi 3 lính thiệt mạng trong vụ Trại Taji trúng tên lửa, các lực lượng Mỹ đã có hành động trả đũa nhằm vào nhóm dân quân Kata’ib Hezbollah do Iran hậu thuẫn mà Mỹ khẳng định là thủ phạm.
Binh sỹ Mỹ gác trên tuyến đường cao tốc tới khu vực al-Taji, cách Baghdad, Iraq khoảng 20km về phía Bắc, nơi 5 binh sỹ Mỹ thiệt mạng và 6 người bị thương do các vụ tấn công của phiến quân. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Mỹ gác trên tuyến đường cao tốc tới khu vực al-Taji, cách Baghdad, Iraq khoảng 20km về phía Bắc, nơi 5 binh sỹ Mỹ thiệt mạng và 6 người bị thương do các vụ tấn công của phiến quân. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng fpri.com, đêm 11/3, khoảng 18 quả tên lửa Katyusha 107mm đã được phóng vào Trại Taji ở gần Baghdad (thủ đô Iraq).

Vụ tấn công đã khiến ba binh lính thiệt mạng (một người Anh và hai người Mỹ), và 14 người khác bị thương. Mỹ và các lực lượng liên minh đã nhanh chóng khẳng định rằng nhóm dân quân Kata’ib Hezbollah do Iran hậu thuẫn chính là thủ phạm.

Sáng 13/3 theo giờ Iraq, các lực lượng Mỹ đã có hành động trả đũa nhằm vào nhóm này khi tấn công một loạt địa điểm có liên quan đến các lực lượng dân quân Iraq trên khắp đất nước Iraq.

Vụ căng thẳng bạo lực mới nhất này giữa Mỹ và Iran cùng các lực lượng ủy nhiệm của Iran xảy ra vào giai đoạn không thể tồi tệ hơn đối với bất cứ quốc gia nào liên quan.

Tất cả các tin tức cho thấy Iran đang phải vật lộn với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19), với hàng trăm ca tử vong, hơn 10.000 ca nhiễm bệnh, và con virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) này còn lây lan sang cả giới tinh hoa và quan chức của chế độ.

SARS-CoV-2 cũng đang lây lan một cách nhanh chóng ở Mỹ, với sự bùng nổ các ca nhiễm ở Bờ Tây, New York, Massachusetts và Washington D.C, khiến toàn bộ xã hội và nền kinh tế bị hoảng loạn.

Trong khi đó, Iraq còn ở trong tình trạng hiểm nguy hơn rất nhiều. Nước này cũng bị SARS-CoV-2 tấn công, và có khả năng sẽ chứng kiến số lượng ca nhiễm tăng vọt. Thế nhưng, ngoài điều đó ra Iraq còn đang phải chịu đựng những cơn đau của một cuộc khủng hoảng chính trị bị kích động bởi chủ nghĩa bè phái dữ dội, bởi những chia rẽ cũ, và sự can thiệp từ bên ngoài.

Nạn tham nhũng và nền kinh tế bấp bênh đã tạo ra một phong trào biểu tình ồ ạt, đã đấu tranh trong nhiều tháng nhằm lật đổ một hệ thống chính trị bị bao trùm bởi nạn tham nhũng và bị chi phối bởi Iran cùng các nhóm dân quân đồng minh của nước này.

Trong một bối cảnh như vậy, tại sao Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ lại tìm kiếm một sự leo thang với Mỹ ngay lúc này? Một số khả năng đã được đưa ra.

Thứ nhất, Iran có thể đang đánh cược rằng một cuộc xung đột ngắn với Mỹ có thể kích thích một sự ủng hộ trong nước và/hoặc làm chệch hướng sự chú ý khỏi cách xử lý yếu kém của họ với đại dịch COVID-19.

Thứ hai, các nhóm dân quân Iraq có thể coi một sự leo thang với Mỹ là cái cớ để gia tăng áp lực chống lại phòng trào biểu tình hiện nay, hoặc để tiêu diệt chúng luôn với những cái cớ về mối quan ngại an ninh quốc gia. Lập luận này đi ngược lại với logic rằng các lực lượng an ninh Iraq và các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn trước đây từng có những hành động chống lại phong trào biểu tình mà không cần một cái cớ nào hết. Phong trào biểu tình cho đến nay đã chứng tỏ được sự bền bỉ dù phải đối mặt với sự đàn áp bạo lực mạnh mẽ.

Một lý do thuyết phục hơn có thể được tìm thấy trong thời điểm của vụ tấn công, vốn xảy ra vào ngày được cho là sinh nhật thứ 63 của Tướng Qasem Soleimani. Ông này đã bị giết chết vào ngày 3/1, khi một máy bay chiến đấu của Mỹ đã tấn công vào đoàn xe hộ tống ông khi vừa đến sân bay Baghdad.

Một người khác cũng đã thiệt mạng trong vụ tấn công khác là Abu Mahdi al-Muhandis, một quan chức Iraq, thủ lĩnh của Kata’ ib Hezbollah, một nhóm dân quân ủy nhiệm thân Iran. Vậy liệu ngày sinh nhật của Soleimani có thể là một lý do đủ quan trọng để biện hộ cho những rủi ro hiện hữu của một vụ tấn công chết người của Iran và/hoặc các lực lượng ủy nhiệm của họ nhằm vào các lực lượng của Mỹ hay không? Thời gian hẳn không thể trùng hợp đến như vậy, song nó cũng chưa đủ để là một động cơ duy nhất cho động thái này.

Khả năng là vụ tấn công được bố trí nhằm thúc đẩy một mục tiêu chiến lược. Các lãnh đạo của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ đã nói rõ rằng họ muốn hất các lực lượng của Mỹ ra khỏi Iraq.

[Mỹ tấn công trả đũa lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq]

Kata’ ib Hezbollah đã dẫn dắt mệnh lệnh chính trị trong nỗ lực này, và trong những tuần gần đây, họ đã đe dọa sẽ tấn công bạo lực nhằm vào các lực lượng Mỹ để thúc ép một sự ra đi như vậy. Vụ tấn công hồi tuần qua dường như là một sự triển khai hợp lý các lời đe dọa đó. Mặc dù nhóm này chưa thừa nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công, song họ cũng lên tiếng ủng hộ động thái này và lợi dụng nó để nhắc lại những lời kêu gọi Mỹ rút quân.

Chính quyền của Tổng thống Trump từng nói rõ rằng những cái chết của người Mỹ là một lằn ranh đỏ và sẽ bị đáp trả bởi hành động quân sự. Khi Kata’ib Hezbollah sát hại một nhà thầu người Mỹ trong một vụ tấn công tương tự hồi cuối tháng 12/2019, quân đội Mỹ đã trả đũa bằng các vụ không kích nhằm vào các căn cứ của tổ chức tại ở Syria và Iraq. Một vài ngày sau, Soleimani và al-Muhandis cũng bị sát hại.

Kata’ib Hezbollah và các nhóm dân Iran khác đã tận dụng vụ trả đũa này để tăng tốc chiến dịch hất cẳng các lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq, song đến nay vẫn thất bại.

Với những lằn ranh đỏ mà Mỹ đặt ra, sự trả đũa cho vụ tấn công hôm 11/3 vừa qua được chứng thực bởi cái chết của hai người Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã không mất nhiều thời gian để đưa ra những ủy quyền thích hợp cho một động thái đáp trả quân sự tiềm tàng.

Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang trong kỷ nguyên COVID-19 ảnh 1Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại vùng biển phía đông Địa Trung Hải ngày 8/5/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói: “Tôi đã nói chuyện với tổng thống. Ông ấy đã ủy quyền cho tôi làm những điều chúng ta cần làm, theo đúng định hướng của ông." Bộ trưởng nói thêm rằng “tôi sẽ không lựa chọn bước vào bàn đàm phán ngay lúc này, mà sẽ nhắm thẳng vào nhóm-các nhóm, mà chúng tôi tin là thủ phạm của vụ này tại Iraq."

Vài giờ sau, các lực lượng của Mỹ bắt đầu tấn công các căn cứ có liên quan đến Kata’ib Hezbollah và các nhóm khác được Iran hậu thuẫn ở tỉnh Babil. Quân đội Iraq đã lên án các vụ tấn công này và cho biết ba trong số các binh lính của họ cùng hai sỹ quan cảnh sát khác đã thiệt mạng.

Trong khi đó, cả Kata’ib Hezbollah và các lực lượng dân quân đều chưa đưa thông báo về trường hợp thiệt mạng nào bên phía họ, song một số dân quân có lẽ đã bị thương trong các vụ tấn công này. Thế nhưng, đây có thể chưa phải đòn cuối cùng trong sự trả đũa của Mỹ, mà nếu đúng là đòn cuối cùng thì có lẽ nó đã được sắp xếp một cách có giới hạn.

Các vụ tấn công của Mỹ hồi tháng 12 nhắm vào các căn cứ của Kata’ib Hezbollah đã gây ra hàng chục cái chết. Thủ lĩnh Kata’ib Hezbollah và mạnh thường quân người Iran của ông ta cũng đã bị sát hại sau đó một tuần.

Những vụ sát hại đó cũng gây ra nhiều thương vong và sự tàn phá hơn để có thể kích động những nỗ lực của họ nhằm hất cắng các lực lượng Mỹ ra khỏi đất nước. Thế nhưng, như vậy sẽ tạo ra vòng xoáy leo thang bạo lực có thể dẫn tới một cuộc xung đột thực sự.

Nhân tố bí ẩn trong tất cả những điều này là đại dịch COVID-19. Sự ảnh hưởng của nó đến việc hoạch định của tổng thống Mỹ ra sao, hay đến những sự cố vấn mà các quan chức quân sự và quốc phòng với ông thế nào, vẫn còn là điều bí ẩn.

Tương tự, cách giới lãnh đạo Iran nhìn nhận về cuộc khủng hoảng trong nước họ, hay một cuộc khủng hoảng sắp xảy đến ở Mỹ, cũng chưa rõ ràng. Chưa bên nào sẵn sàng một cuộc chiến tranh trong bối cảnh mà đất nước của họ đang chịu ảnh hưởng của một đại dịch. Tuy nhiên, sẽ luôn có những kẻ cơ hội muốn lợi dụng các cuộc khủng hoảng để chuộc lợi. Có lẽ Iran và các đồng minh của họ đang nhắm tới điều này. Cũng có lẽ là không. Thời gian sẽ trả lời điều đó.

Tuy nhiên, có một điều rõ ràng hơn là tình trạng hiện nay chắc chắn sẽ luôn chi phối tính toán của tất cả các bên. Đó là một sự leo thang trong kỷ nguyên của COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục