Căng thẳng Hezbollah-Israel: Liban thiệt hại trăm bề

Cuộc xung đột hiện nay đang gây thiệt hại nặng nề về người, làm hư hại cơ sở hạ tầng vật chất ở Liban và làm trầm trọng thêm tình hình xã hội và kinh tế vĩ mô vốn đã mong manh của quốc gia này.
Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc tập kích của Israel tại Beirut, Liban ngày 21/9/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 26/9, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) dự báo nền kinh tế Liban sẽ suy giảm hơn nữa vào năm 2024 do bất ổn địa chính trị.

Theo EBRD, kinh tế Liban sẽ sụt giảm 1% trong năm 2024, đảo chiều hoàn toàn so với dự báo được đưa ra hồi tháng Năm rằng nền kinh tế đang gặp khó khăn này sẽ tăng trưởng nhẹ.

Trong báo cáo mới công bố, EBRD nêu rõ Liban vốn đang phải đối mặt với điều kiện kinh tế khó khăn và lạm phát quá cao, đã mất hơn 40% GDP kể từ năm 2018.

Thêm vào đó, tình trạng bế tắc chính trị và tiến độ thực hiện các cải cách quan trọng trì trệ tiếp tục cản trở sự phục hồi.

Xung đột Hamas-Israel tại Dải Gaza đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của các nước láng giềng và giao tranh hiện đang gia tăng ở Liban.

Theo Beata Javorcik, nhà kinh tế trưởng của EBRD, leo thang dù ở hình thức nào cũng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Trước đó, ngày 25/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đang theo dõi tác động đối với nền kinh tế Liban khi cuộc xung đột Israel-Hezbollah đang leo thang.

Theo IMF, cuộc xung đột hiện nay đang gây thiệt hại nặng nề về người, làm hư hại cơ sở hạ tầng vật chất ở miền Nam Liban và làm trầm trọng thêm tình hình xã hội và kinh tế vĩ mô vốn đã mong manh của quốc gia này.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá tác động kinh tế trong khu vực.

Cùng ngày 25/9, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết các cuộc tấn công mới nhất ở Liban đã mở rộng sang các khu vực chưa từng bị tấn công trước đó, gây thương vong cho dân thường và gây ra sự tàn phá trên diện rộng, bao gồm cả cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Hệ thống cung cấp nước của Bekaa và miền Nam Liban đã bị hư hại nghiêm trọng, khiến 30.000 người mất đi nguồn nước sạch.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), kể từ ngày 23/9, ở Liban đã có thêm hơn 90.000 phải sơ tán.

OCHA cho biết gần 300 trường học trên cả nước đang được tái sử dụng để làm nơi trú ẩn cho những người phải rời bỏ nhà cửa. Kết quả là có tới 100.000 học sinh có thể bị ảnh hưởng.

Người dân sơ tán khỏi Liban để tránh xung đột, tại cửa khẩu Jdeidat Yabous ở biên giới Syria-Liban, ngày 24/9/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người Palestine (UNRWA) cho biết đã kích hoạt kế hoạch ứng phó khẩn cấp tại Liban.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cung cấp vật tư y tế cho các cơ sở y tế đang quá tải của Liban sau vụ nổ thiết bị liên lạc vào tuần trước.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) dự kiến đưa 25 tấn thuốc cứu sinh và hàng hóa y tế đến nước này trong những ngày tới.

Các tổ chức nhân đạo đang huy động thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm thiết yếu, trong đó có cả nệm và bộ dụng cụ vệ sinh.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) cho biết đang chuẩn bị ứng phó với số lượng người Liban và Syria phải di tản ngày càng tăng khi hàng trăm phương tiện đang xếp hàng dài ở biên giới Syria, những đám đông lớn, bao gồm cả phụ nữ, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh xếp hàng chờ đợi.

Cơ quan này và các đối tác cung cấp thực phẩm, nước uống, chăn, nệm cho những người qua biên giới.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cảnh báo Trung Đông không thể chịu đựng được một cuộc khủng hoảng di cư mới.

Cộng đồng quốc tế cũng bắt đầu huy động hỗ trợ Liban. Mới nhất, Anh thông báo sẽ ủng hộ 5 triệu bảng (gần 6,7 triệu USD) cho các nỗ lực cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc tại Liban./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục