Căng thẳng biên giới Belarus-Ba Lan gia tăng liên quan đến người di cư

Belarus cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) góp phần gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay khi từ chối các cuộc đàm phán để thảo luận các biện pháp nhằm củng cố biên giới.
Căng thẳng biên giới Belarus-Ba Lan gia tăng liên quan đến người di cư ảnh 1Người di cư ở biên giới Belarus và Ba Lan. (Nguồn: Reuters)

Cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus và Ba Lan làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Belarus và Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 11/11, Belarus cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) góp phần gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay khi từ chối các cuộc đàm phán để thảo luận các biện pháp nhằm củng cố biên giới.

Phát biểu với hãng tin RIA Novosti của Nga, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei nhấn mạnh nước này muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này "nhanh nhất có thể." Theo ông Makei, Belarus đã nhiều lần đề nghị EU tổ chức các cuộc tham vấn, nhưng liên minh này đã từ chối.

Hồi năm ngoái, EU đã quyết định ngừng tài trợ cho các dự án tại Belarus nhằm củng cố cơ sở hạ tầng ở biên giới và xây dựng các nơi trú ẩn cho người di cư trái phép. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Belarus vì cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.

Đáp lại, Belarus đã đình chỉ thỏa thuận giữa nước này với EU về vấn đề người di cư, trong đó Minsk có nhiệm vụ ngăn người di cư đi qua lãnh thổ nước này để vào EU.

[Belarus và Ba Lan cáo buộc lẫn nhau gây căng thẳng biên giới]

Trước tình trạng căng thẳng tại biên giới giữa Belarus và Ba Lan, Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Ann Linde đã thảo luận vấn đề này với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi, cho rằng vấn đề này gây ảnh hưởng đến an ninh và ổn định của khu vực, có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân.

Quan ngại vấn đề an ninh, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết lực lượng biên phòng, cảnh sát và vệ binh quốc gia nước này sẽ tiến hành cuộc diễn tập ở khu vực biên giới với Belarus vào ngày 11/11 để bảo vệ biên giới trước nguy cơ người di cư đổ vào Ukraine. Dù không phải là một quốc gia thành viên của EU, nhưng Ukraine vẫn thận trọng nhằm tránh để xảy ra một cuộc khủng hoảng như ở biên giới Belarus-Ba Lan.

Trong khi đó, giới chức Ba Lan ngày 11/11 cho biết tình hình tại khu vực biên giới với Belarus trở nên căng thẳng khi những người di cư mắc kẹt tại đây đã ném đá, cành cây vào lực lượng biên phòng Ba Lan và cố tình phá hủy hàng rào thép gai để vào lãnh thổ nước này, nhằm đến EU.

Tuy nhiên, Ba Lan cho biết nước này không có ý định để người di cư xâm nhập vào lãnh thổ. Thời gian gần đây, căng thẳng giữa Warsaw và Minsk ngày một gia tăng. Ba Lan chỉ trích Belarus để cho các đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới để đáp trả việc các nước EU trừng phạt nước này. Belarus luôn bác bỏ cáo buộc này.

Ngày 9/11, Bộ Quốc phòng Belarus gọi đây là những cáo buộc vô căn cứ đồng thời đồng thời cho rằng Ba Lan đang cố tình làm leo thang căng thẳng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục