Cảng Quy Nhơn vượt kế hoạch về hàng hóa giữa vòng xoáy dịch COVID-19

Cảng Quy Nhơn phấn đấu đạt mốc 11 triệu tấn vào cuối tháng 12/2020, vượt các kế hoạch đề ra bằng cách tập trung mọi nguồn lực, tối đa các điều kiện để xuất khẩu hàng hóa.
Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Quy Nhơn. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngay từ đầu năm, với những tác động từ dịch COVID-19 tới nền kinh tế nói chung và cảng biển nói riêng, tuy nhiên, Cảng Quy Nhơn vẫn hoàn thành các kế hoạch đề ra do sản lượng hàng hóa thông qua Cảng vẫn duy trì và tiếp tục tăng trưởng.

Theo ông Phan Tuấn Linh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, trong năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng như thiên tai do mưa bão, lũ lụt, nhưng với sự cố gắng, làm tốt công tác khách hàng, đặc biệt với những giải pháp kịp thời và hiệu quả nên hàng hóa thông qua Cảng vẫn tăng trưởng tốt.

Cụ thể, Cảng đã hoàn thành kế hoạch sản lượng 9,7 triệu tấn vào ngày 17/11/2020 trước thời hạn tới gần một tháng rưỡi so với kế hoạch đặt mục tiêu sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2020 là khoảng 10 triệu tấn, tăng 7,5% so với năm trước.

Ông Linh cũng bày tỏ quyết tâm của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn phấn đấu đạt mốc 11 triệu tấn vào cuối tháng 12/2020 bằng cách tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ khách hàng giải phóng tàu nhanh; hỗ trợ khách hàng kết nối các nguồn lực, dịch vụ logistics tranh thủ tối đa các điều kiện để xuất khẩu hàng hóa.

[Cảng Quy Nhơn xác lập kỷ lục mới về hàng cập cảng trong 23 năm]

Kể từ khi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tiếp quản, bên cạnh việc mở rộng thị trường, Cảng Quy Nhơn cũng đã chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ của tỉnh Bình Định nhằm nâng cao sản xuất.

Nhờ các hoạt động trên, năng suất lao động bình quân tại cảng Quy Nhơn đã tăng đáng kể với 82 tấn/người/ca trong chín tháng đầu năm, tăng 21% so với cùng kỳ 2019. Thu nhập bình quân của người lao động cũng đã tăng bình quân 1 triệu đồng/người/tháng, đạt mức 15,2 triệu đồng/người/tháng.

“Ngoài việc người lao động được tăng thu nhập, công tác đào tạo tay nghề của cảng cũng giúp chất lượng nguồn lao động tại chỗ trên địa bàn tỉnh Bình Định được tăng lên, người lao động có thể sẵn sàng tham gia quy trình sản xuất tại các đơn vị trực tiếp khai thác cảng,” ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc VIMC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết.

Trước đó, vào tháng 6/2020, Cảng Quy Nhơn đã khai trương tuyến dịch vụ vận tải trực tiếp từ cảng Quy Nhơn đi các nước khu vực Đông Bắc Á nhằm kết nối nguồn hàng tại khu vực Tây Nguyên xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… với tần suất khai thác trung bình 1 tuần/1 tàu.

Theo định hưởng phát triển, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là doanh nghiệp giữ vị trí hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam, phấn đấu đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực; có năng lực cạnh tranh cấp độ quốc tế và tham gia chia sẻ thị trường khu vực.

Những năm tới, 3 lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, vận tải biển và dịch vụ hàng hải sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức, trong khi lĩnh vực khai thác cảng biển tăng trưởng chậm lại.

Tổng công ty đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sản lượng vận tải biển đạt hơn 18 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng đạt gần 139 triệu tấn (mức tăng trưởng bình quân hơn 5%/năm), doanh thu đạt 10.771 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất hơn 1.230 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục