Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu nâng tổng công suất của toàn cảng đạt 50 triệu hành khách/năm.
Để đáp ứng mục tiêu này, ngoài việc cải tạo mở rộng các hạng mục hiện tại và xây dựng thêm nhà ga T3, cần phải đầu tư đồng bộ về hạ tầng kết nối là rất bức thiết, bởi các tuyến giao thông quanh khu vực này hiện thường xuyên quá tải, gây ùn tắc giao thông.
Bài 1: Nâng công suất khai thác theo nhu cầu
Năm 2017, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khai thác đạt khoảng 36 triệu hàng khách, vượt khá xa công suất thiết kế của Cảng (khoảng 25 triệu hành khách), dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng.
Thực trạng này diễn ra nhiều năm qua, cả ở vùng trời và mặt đất, đặc biệt khi có sự cố giao thông bên ngoài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của sân bay.
Quá tải toàn diện
So với quy hoạch trước đây là 25 triệu hành khách cũng như thiết kế hạ tầng các công trình đảm bảo khai thác, hiện nay Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất) đang khai thác quá tải, dẫn đến hiện tượng ùn tắc cả vùng trời, khu bay, nhà ga và hệ thống kết nối giao thông.
Theo ông Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC - đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất), nếu như năm 2016, với công suất khai thác 36 triệu hành khách, nhà ga T1 vượt thiết kế 1,5 lần; cần phải có 86-106 vị trí đậu tàu bay, nhưng hiện mới đầu tư khai thác có 55 vị trí đậu.
Ông Nguyễn Đình Trung cho rằng, với cấu hình khu bay như hiện nay, chỉ đáp ứng được tần suất số chuyến bay giờ cao điểm là 44 chuyến. Rất nhiều khung giờ hiện nay, nhiều chuyến bay đi và đến phải kéo dài thời gian lăn ra lăn vào do ảnh hưởng của cấu hình khu bay không đáp ứng được.
Điều này dẫn đến máy bay phải bay chờ và bay chậm, gây ảnh hưởng đến toàn bộ mạng đường bay và hiệu quả khai thác của các hãng bay.
[Đề xuất phương án đầu tư nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất]
Không chỉ quá tải trong khu vực sân bay, tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông khu vực quanh sân bay cũng diễn ra trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của sân bay, diễn ra bất kỳ thời điểm nào, nhất là khi có sự cố giao thông hoặc ùn ứ khu vực lân cận.
Điển hình là ngày 22/3 vừa qua, hàng nghìn ôtô và xe máy nối đuôi nhau đứng bánh hàng giờ trên đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài dẫn về đường Trường Sơn hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Tình trạng ùn tắc kéo dài gần 2 giờ, nguyên nhân do lượng phương tiện gia tăng đột biến cùng với đó là các phương tiện lưu thông xung đột nhau gây ách tắc cục bộ, sau đó lan ra các khu vực.
Ngày 8/5 vừa qua, do trời mưa lớn, đoạn đường Trần Quốc Hoàn hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất về vòng xoay Lăng Cha Cả, đường Cộng Hòa bị ùn tắc nghiêm trọng. Hàng nghìn phương tiện xe máy, ôtô nối đuôi nhau di chuyển vô cùng khó khăn.
Ngoài ra, nhiều vụ ùn ứ kéo dài, lan rộng các tuyến đường khu vực quanh công viên Hoàng Văn Thụ và lối vào sân bay Tân Sơn Nhất cũng xảy ra nhiều, nhất là những lúc trời mưa to hoặc sự cố giao thông khu vực này.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện khoảng cách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Lăng Cha Cả chỉ hơn 1 km nhưng có quá nhiều đường và hẻm nhỏ đâm cắt đường Trường Sơn như Thăng Long, Phan Thúc Duyện, Hoàng Văn Thụ, đặc biệt là khu vực vòng xoay lăng Cha Cả (đường Cộng Hòa-Lê Văn Sỹ, Thăng Long, Hoàng Văn Thụ). Trong khi đó xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều trung tâm thương mại, kho bãi, văn phòng cho thuê nên tập trung rất lớn lượng xe lưu thông, quay đầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, vượt công suất thiết kế.
Dự báo năm nay, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt 38-40 triệu hành khách. Do vậy, từ nay đến năm 2021-2022, trong khi chờ các hạng mục công trình cải tạo và mở rộng, có thể xảy ra quá tải ở một số thời điểm.
Nhằm giải quyết vấn đề này, ngành giao thông sẽ cố gắng tổ chức, sắp xếp lại sao cho việc khai thác hiệu quả hơn nữa để không xảy ra ùn tắc.
Nhu cầu bức thiết về mở rộng đồng bộ
Trước thực trạng trên, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là điều bắt buộc và không thể chậm trễ, bởi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) dự kiến ít nhất phải từ năm 2025 mới đi vào hoạt động giai đoạn 1, trong khi nhu cầu phát triển hàng không đang tăng cao.
Theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp 1, với tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh là hơn 790ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý); trong đó, diện tích Cảng hiện hữu hơn 545ha.
Toàn bộ chi phí thực hiện dự án là 25.000 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng do đất chủ yếu do các đơn vị quân đội.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, với quy hoạch này, hệ thống nhà ga T1, T2 hiện hữu sẽ được cải tạo, mở rộng để nâng công suất đạt 30 triệu lượt khách/năm; quy hoạch bổ sung nhà ga T3 ở phía Nam với công suất 20 triệu lượt khách/năm để nâng tổng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm.
Cùng với đó, Quy hoạch bổ sung nhiều hạng mục quan trọng như bổ sung các đường lăn song song, đường lăn thoát nhanh, sân đỗ máy bay, các hệ thống đường trục ra vào cảng…
Sau khi nâng cấp, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có lượng vận chuyển hành khách đạt 50 triệu lượt/năm, vận chuyển hàng hóa đạt 0,8-1 triệu tấn/năm. Loại máy bay khai thác gồm A320/321, B747, B777/787, A350 và tương đương, số vị trí đỗ là 106 vị trí.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, các công trình trọng điểm phải triển khai đồng bộ với nhà ga T3 để khi đưa vào khai thác được đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
Theo kế hoạch tính toán, đến năm 2022, các hạng mục công trình cơ bản nhất của sân bay Tân Sơn Nhất (bao gồm cả hệ thống giao thông kết nối) để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm phải hoàn thành. Đây là mục tiêu phải phấn đấu rất cao mới đạt được.
Để đạt mục tiêu phát triển sân bay Tân Sơn Nhất bền vững, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, các cơ quan đơn vị với chức năng nhiệm vụ cần tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tránh trường hợp làm không đồng bộ khi đưa vào khai thác sẽ không theo ý muốn của mình, ảnh hưởng rất lớn đến giải tỏa ùn tắc và quá tải Tân Sơn Nhất./.