Theo Quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa khu vực phía Bắc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông Vận tải, cảng Khuyến Lương sẽ là một trong bốn cảng hàng hóa chính tại Hà Nội; là cảng container kết hợp với cảng tổng hợp.
Để cảng Khuyến Lương phát triển theo đúng quy hoạch, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về tình hình hoạt động của đơn vị này, đặc biệt là đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Theo báo cáo của Vinalines, cảng Khuyến Lương (trực thuộc Vinalines) chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 9/1/2014.
Sau gần 5 năm hoạt động theo mô hình mới, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cảng Khuyến Lương đã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động.
Cụ thể, sản lượng của cảng trước cổ phần hóa năm 2012 đạt 0,35 triệu tấn, đến năm 2017 đạt 0,40 triệu tấn tương ứng lợi nhuận năm 2012 đạt 254 triệu đồng và năm 2017 đạt lợi nhuận hơn 6 tỷ đồng.
Thu nhập người lao động tăng 143,1% đạt bình quân trên người lao động là 7,47 triệu đồng/người/tháng (năm 2017) so với 5,22 triệu đồng/người/tháng (năm 2012).
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vinalines, cảng Khuyến Lương đang gặp một số khó khăn nếu không sớm giải quyết sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh; trong đó có nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài từ giai đoạn cổ phần hóa như vị trí địa lý không thuận lợi.
Đặc biệt, vùng nước trước cảng ngày càng bị bồi lắng phù sa quá lớn, chi phí nạo vét tăng cao.
Để khắc phục tình trạng khan cạn đảm bảo sản xuất, cảng Khuyến Lương đã làm thủ tục xin phép Cục Đường thủy nội địa từ tháng 11/2017 nhưng đến nay vẫn chưa chấp thuận cho doanh nghiệp được nạo vét phù sa vùng nước trước bến để cho tàu ra, vào xếp dỡ hàng hóa.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vinalines cho biết, điều này đã gây khó khăn trong việc tổ chức xếp dỡ hàng hóa.
[Quy hoạch cảng Quy Nhơn: San lấp mặt nước, tàu thuyền neo đậu khó khăn]
Chính phủ có chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song việc cấp phép và tổ chức nạo vét vùng nước cảng (cảng tự bỏ kinh phí nạo vét) đã gần một năm nay không được xem xét.
Về hệ thống đường giao thông vào cảng bị xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm cũng dẫn đến giao thông vào cảng khó khăn làm kém hấp dẫn đối với những khách hàng có nhu cầu hợp tác với cảng.
Mặc dù đầu tháng 10 vừa qua, thành phố Hà Nội đã cho sửa chữa đường vào cảng. Tuy nhiên, theo phản ánh của khách hàng do đường vào cảng đi qua đê vẫn bị hẹp nên các loại xe, đặc biệt là xe container ra vào rất khó khăn.
Ngoài ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân gần khu vực Cảng, những doanh nghiệp này với nhiều lợi thế hơn như được thuê đất với giá thấp trong khi mỗi năm chỉ phải trả tiền thuê đất 7 tháng, đầu tư cầu cảng đơn giản… đã gây áp lực không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của Cảng Khuyến Lương.
Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Thúy Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cảng Khuyến Lương cho biết, để thực hiện đúng quy hoạch Cảng đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, cảng Khuyến Lương đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các Sở, Ban, Ngành Thành phố và Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai tạo điều kiện cho phép cảng được hưởng cơ chế đặc thù trong việc xin phép xây dựng mở rộng cầu tàu, kho, bãi phù hợp với nhu cầu phát triển của cảng.
Bên cạnh đó, “theo quy hoạch, cảng Khuyến Lương sẽ là một trong bốn cảng hàng hóa chính ở khu vực Hà Nội; trong đó quy hoạch cảng Khuyến Lương là cảng container kết hợp với cảng tổng hợp. Do đó, doanh nghiệp đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu, tạo điều kiện cho cảng phát triển theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Đây cũng là cơ sở để Vinalines xây dựng thành công đề án Trung tâm phân phối hàng hóa tại cảng Khuyến Lương,” bà Trương Thị Thúy Nga thông tin.
Vấn đề vi phạm vùng nước, theo bà Trương Thị Thúy Nga, hiện Công ty đầu tư xây dựng Phú Nguyên đã xây dựng mố xếp dỡ bất hợp pháp tại vùng nước của cảng mà vẫn chưa được xử lý theo quy định của pháp luật.
Mặc dù, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã có ý kiến chỉ đạo song Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.
Chia sẻ về một số giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, bà Trương Thị Thúy Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cảng Khuyến Lương cho biết, để giữ bạn hàng và phát triển khách hàng mới, công ty sẽ điều chỉnh đơn giá xếp dỡ một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ khách hàng tận tâm của người lao động. Qua đó nâng cao năng lực cũng như hình ảnh, thương hiệu của cảng Khuyến Lương giúp tăng sản lượng hàng hóa thông qua cảng trong thời gian tới.
Ngoài ra, công ty sẽ tăng cường khai thác kinh doanh thương mại ra ngoài cảng, đặc biệt là kinh doanh vật liệu xây dựng cùng với việc đa dạng hóa các dịch vụ để tăng doanh thu; trong đó phải kể đến việc kinh doanh kho, bãi…
Cũng theo bà Trương Thị Thúy Nga, một hướng đi khác của cảng Khuyến Lương là tham gia phối hợp với các đơn vị trong Vinalines để phát triển dịch vụ logistics, đây được xem là hướng đi mới cho công ty phát triển ổn định và bền vững./.