Cảng cá bị bồi lấp nghiêm trọng khiến ngư dân Ninh Thuận gặp khó

Cảng cá Cà Ná đang bị bồi lắng nghiêm trọng khiến nhiều tàu cá có công suất lớn, đánh bắt xa bờ cập cảng thường xuyên bị mắc cạn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của ngư dân.
Luồng vào cảng cá Cà Ná bị bồi lấp gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Luồng vào cảng cá Cà Ná bị bồi lấp gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Cảng cá Cà Ná ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam là một trong những cảng cá trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận.

Tuy nhiên hiện nay, cảng đang bị bồi lắng nghiêm trọng khiến nhiều tàu cá có công suất lớn, đánh bắt xa bờ cập cảng thường xuyên bị mắc cạn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của ngư dân.

Hiện khu vực cảng cá Cà Ná mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm lượt tàu cá của ngư dân tỉnh Ninh Thuận và các tàu cá vãng lai đến từ các tỉnh Duyên hải miền Trung cập cảng. Nhưng, thời gian qua do hiện tượng bồi lấp làm cho các tuyến luồng, vũng đậu tàu hẹp lại khiến việc ra vào cảng của các tàu cá gặp rất nhiều khó khăn nhất là các tàu cá lớn tham gia khai thác xa bờ.

Ngư dân Trần Đào ở xã Phước Diêm cho biết hàng năm lũ lụt kéo theo phù sa, đất cát bồi lắng khiến hai tuyến luồng chạy tàu từ cửa biển vào cầu cảng Cà Ná và vũng nước đậu tàu bị cạn hẹp nên tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên ra vào cảng rất khó khăn.

Muốn ra vào cảng, bà con phải căn thủy triều lên mất rất nhiều thời gian. Ngư dân địa phương ít nhiều đã quen luồng lạch nhưng có nhiều tàu ngoài tỉnh do không thông thạo luồng lạch nên khi ra vào cảng hay bị mắc cạn gây hư hỏng chân vịt, bánh lái.

Theo ngư dân địa phương, vào những tháng cao điểm của vụ cá Nam, ngư trường thuận lợi, ngư dân khai thác hải sản hiệu quả nhưng do luồng lạch cạn, số ít tàu thuyền nhỏ vào cập cảng Cà Ná cũ, còn tàu công suất lớn không thể cập cảng bốc dỡ hải sản.

Do vậy nhiều tàu lớn của ngư dân ở hai xã Cà Ná, Phước Diêm phải vào cập cảng Phan Rí và Phan Thiết, cảng cá ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để bán sản phẩm, điều này làm tăng chi phí của các chủ tàu; gây khó khăn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá vì thiếu nguyên liệu.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Ban quản lý Khai thác các cảng cá tỉnh Ninh Thuận cho biết, khu vực cảng cá Cà Ná bao gồm cảng cá Cà Ná (cũ) và cảng cá Cà Ná mở rộng; trong đó, cảng cá Cà Ná (cũ) hoạt động từ năm 2000, đã được nạo vét tuyến luồng lần hai từ năm 2015.

Còn tuyến luồng chạy tàu và vũng nước đậu tàu tại cảng cá Cà Ná mở rộng đưa vào hoạt động từ năm 2008 đến nay chưa được nạo vét do khó khăn về nguồn kinh phí nên hàng năm tình trạng bồi lấp càng diễn tiến nặng hơn.

[Ninh Thuận mở hướng cho nghề nuôi trồng thủy sản trước thời cơ mới]

Để tạo điều kiện cho tàu thuyền cập cảng, mua bán sản phẩm, cũng như thực hiện công bố cảng cá loại I có độ sâu luồng vào cảng và vùng nước cảng đủ điều kiện cho tàu cá có chiều dài thân tàu từ 24m trở lên ra vào cảng theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Đơn vị đã khảo sát thực trạng bồi lấp luồng, lạch và đề xuất phương án trình Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh cho chủ trương nạo vét cảng cá Cà Ná trong năm nay.

Cảng cá bị bồi lấp nghiêm trọng khiến ngư dân Ninh Thuận gặp khó ảnh 1Tàu cá bị mắc cạn tại cảng cá Cà Ná, ngư dân phải chờ thủy triều lên mới có thể ra khơi. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Trước tính cấp bách cần thực hiện ngay cho tàu thuyền ra vào được thuận lợi, giai đoạn một sẽ thực hiện chiều dài tuyến luồng nạo vét khoảng 451m, diện tích nạo vét 39.741m2, khối lượng nạo vét 99.285m3 với tổng kinh phí dự kiến thực hiện trên 9,4 tỷ đồng.

Tiếp đến, trong giai đoạn hai đề xuất tiếp tục nạo vét khu vực quay trở tàu và vũng nước neo đậu tàu cảng cá Cà Ná cũ với diện tích 48.645m2 và khu neo đậu (khu A, B) cảng cá Cà Ná mở rộng với diện tích 49.400m2 bằng nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nạo vét.

Như vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cập cảng bốc dỡ sản phẩm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cần sớm kiểm tra, có phương án bố trí nguồn vốn triển khai nạo vét tuyến luồng chạy tàu và vũng nước đậu tàu của cảng cá Cà Ná để giúp ngư dân yên vươn khơi, bám biển khai thác hải sản, cũng như có nơi tránh trú an toàn khi mùa mưa bão đang đến gần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục