Cảng biển Việt Nam “đội sổ” trong khu vực về mức giá dịch vụ bốc xếp

Cảng biển Việt Nam ''đội sổ'' khu vực về mức giá dịch vụ bốc xếp

Các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam đã đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ tăng thêm 10%/năm trong các năm 2021 và 2022 nhằm tiếp cận mức giá chung của khu vực.
Cảng biển Việt Nam ''đội sổ'' khu vực về mức giá dịch vụ bốc xếp ảnh 1Chi phí bốc xếp container ở cảng biển nước ta vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. (Ảnh: Mạnh Dương/TTXVN)

Mức giá dịch vụ cảng biển ở nước ta hiện đang rất thấp với các nước trong khu vực. Vì thế, các doanh nghiệp, Hiệp hội cảng biển và vận tải cho rằng việc điều chỉnh tăng giá là điều cần thiết để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cảng biển nước sâu thấp hơn cảng nước sông

Tại hội nghị giải quyết khó khăn vướng mắc doanh nghiệp ngành hàng hải vào chiều 4/8, ông Phạm Quốc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải cho biết hiện giá dịch vụ bốc xếp container xuất nhập khẩu tại cảng biển nước sâu của Việt Nam đang rất thấp (bằng 45-80%) khi so với những cảng chuyển tải lớn như Hong Kong, Singapore hay Malaysia, Trung Quốc… thậm chí không tương đồng giá với cảng Phnom Penh (Campuchia) - một cảng sông với mức đầu tư không lớn.

Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Vận tải biển, trong đại dịch COVID-19, hàng hóa lưu thông qua các cảng biển tăng trưởng tốt, so với nước khác tăng trưởng âm về hàng hoá.

Khẳng định việc tăng giá bốc xếp container không làm tăng chi phí logictic, chi phí vận tải, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Vận tải biển chứng minh bằng các con số cụ thể như hãng tàu thu phí xếp dỡ tại cảng của chủ hàng Việt Nam khá cao (120 USD/Teu), trong khi chỉ trả cho doanh nghiệp cảng biển Việt Nam phí bốc xếp theo giá sàn là 33USD/Teu tại khu vực Đình Vũ, 52USD/Teu tại khu vực Cái Mép; 41USD/Teu đối với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

“Chủ tàu hưởng lợi từ 55-80 USD/Teu tuỳ cảng. Nếu vẫn giữ mức giá sàn hiện tại, các hãng tàu đã hưởng phần chênh lệch phí xếp dỡ xấp xỉ một tỷ USD/năm,” Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Vận tải biển chua chát nói.

[Bộ GTVT lý giải nguyên nhân không giảm giá dịch vụ tại cảng biển]

Ông Bùi Văn Trung, Tổng thư ký  Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho rằng khi đầu tư cảng mới, giá bốc xếp phải hợp lý, tiệm cận cảng trong khu vực mới bù được chi phí bởi nếu lỗ mãi sẽ không ai dám “rót vốn” vào làm.

“Hầu hết nhà vận tải nội địa Việt Nam vừa làm song song vận tải và cảng, doanh thu thu được từ cảng hiện đang bù vào lỗ vận tải. Do đó, tăng giá bốc xếp là hợp lý, tiếp cận dần với các cảng khu vực,” ông Trung nhìn nhận.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam đã đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ tăng thêm 10%/năm trong các năm 2021 và 2022 nhằm tiếp cận mức giá chung của khu vực.

Với giá dịch vụ hành khách, đại diện Tổng cục Du lịch thừa nhận tàu khách quốc tế chưa mang lại lợi nhuận doanh thu nhiều và thường xuyên bằng tàu hàng. Do đó, các doanh nghiệp cảng biển cần cân nhắc nếu tăng thì tăng ở cảng nào cho phù hợp vì còn liên quan tới giá trị dịch vụ. Chưa kể, dưới tác động của dịch COVID-19 khiến nhiều đơn vị lữ hành phá sản, nếu tăng quá cao khiến hãng du lịch cũng cân nhắc, bỏ qua để vào điểm cảng khác trong khu vực.

Cần hình thành khung giá hợp lý

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công, tại Thông tư 54/2018, giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam đã tăng nhưng vẫn có khoảng cách khá xa so với giá dịch vụ cảng biển trong khu vực, đặc biệt là Campuchia.

“Đến một thời điểm nào đó, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ phải tiệm cận trong khu vực, ít nhất bằng Campuchia. Cục Hàng hải Việt Nam phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất của doanh nghiệp để hình thành được một khung giá hợp lý nhất, đảm bảo cho doanh nghiệp tăng được nguồn thu để tái đầu tư, nâng cấp hạ tầng,” Thứ trưởng Công yêu cầu.

Đề cập tới khung giá dịch vụ đối với hành khách thông qua cảng tàu khách chuyên dụng, Thứ trưởng Công nêu quan điểm nếu các doanh nghiệp muốn đề xuất tăng mức giá tối đa lên hơn 5 USD/hành khách (hiện ở Singapore thu 10 USD/người), bộ vẫn ủng hộ thu tương xứng với dịch vụ. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng dịch vụ tương đồng với giá dịch vụ thu về tránh rơi vào thực trạng thu cao quá thì tàu không vào bến cảng.

[Tàu biển ''đói hàng'', cảng biển sống lay lắt vì dịch COVID-19]

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Vận tải khẩn trương dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2018 trình Bộ trưởng trong tháng 9/2020 về các vấn đề như tiếp tục tăng có lộ trình đối với giá dịch vụ xếp dỡ container; sửa đổi, bổ sung biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, sử dụng cầu bến, phao, neo và dịch vụ lai dắt cho phù hợp với thực tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và khắc phục được các vướng mắc hiện nay.

Về vấn đề này, bà Mai Phương Hồng, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho biết trong trường hợp ban hành và áp dụng trong thời điểm gần bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc điều chỉnh giá phải tính toán rõ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chỉ số giá tiêu dùng để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ qua từng năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục